Người đàn ông sử dụng ngôn ngữ thường có khuynh hướng nhấn mạnh tính có lý, đề cao ý nghĩa của từng lời, họ chú trọng đến tính tác động của ngôn ngữ. Nói cách khác, đàn ông thích dùng ngôn ngữ để “thị uy”, để chứng minh sự vượt trội của mình. Họ dùng ngôn ngữ để áp đặt, để chỉ huy, để giáo huấn hoặc để… tự vệ.
Đối với người đàn ông, sức mạnh bên trong cần được bộc lộ ra ngoài thông qua sự biểu đạt bằng các ký hiệu, các tín hiệu hoặc các dấu hiệu rất hình tượng. Họ cố gắng tìm cách “bộc bạch” tâm sự của mình qua ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ưu thế của họ không phải là lời nói (mặc dù có rất nhiều người biết nói và chịu “nói lời có cánh”) mà là thao tác, là hành vi, là chính con người họ.
Trong lúc nói chuyện, nếu người phụ nữ dùng cử điệu của đôi tay để trang điểm và để… làm duyên, thì người đàn ông lại dùng để biểu lộ tính cách. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ bằng lời và không lời ở người đàn ông là sự kết hợp của toán học, đó là sự “cộng lại” để hướng tới mục tiêu, là sự hợp tác có tính “thực dụng” mặc dù lúc đó họ không hề nghĩ như vậy, không hề “hay biết” là như vậy.
Người đàn ông không biểu lộ cảm xúc thành lời mà dùng lời để “khoe” cảm xúc, họ dùng lời như một thứ vũ khí truyền thống để chiêu dụ, để mặc cả, để tấn công hoặc để “đánh lừa thiên hạ”. Ngôn ngữ, đối với người đàn ông, thường là phương tiện để thể hiện ý tưởng, do vậy “giọng điệu” của đàn ông thường “đao to búa lớn” nên mới có câu “đàn ông miệng rộng thì sang”. Đó là một tiêu chí đánh giá ý chí, khả năng và cả tham vọng của họ nữa.
Đặc biệt, đối với đàn ông, tư duy của họ như thế nào thì ngôn ngữ của họ sẽ như thế đó. Nghĩa là việc sử dụng ngôn ngữ ở đàn ông thể hiện phương pháp tư duy, thể hiện khuynh hướng tư duy nổi trội, thể hiện mô hình của hoạt động trí tuệ ở họ.
Sự lưu loát trong sử dụng lời nói, sự điêu luỵện trong sử dụng các ký hiệu hoặc các tín hiệu không lời ở người đàn ông có thể xem là dấu hiệu của một lối tư duy tích cực và hiệu quả. Tuy vậy, đây không phải là sự lưu loát, bóng bẩy của lời nói mà là sự tường minh, sự rõ ràng, sự nhất quán, sự tự tin của chủ thể.
Trong việc thiết lập và tham gia vào các mối quan hệ xã hội, quan hệ người-người, đàn ông thường cố gắng giữ lời nhưng chắc chắn sẽ không thể giấu kín được những động cơ hoặc những “ý đồ” trong nhận thức, trong suy nghĩ, trong tư duy của chính họ.
Vậy thì, có điều gì mâu thuẫn với thói quen nhận thức “đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”. Phải chăng đàn ông đã tận dụng được khả năng “trời cho” về ngôn ngữ để quý cô phải liêu xiêu vì những lời nói mật ngọt? Trong trường hợp này, đàn ông đã… gặp may vì đã được phụ nữ hỗ trợ khi chính phụ nữ lại là người “khoái” những lời có cánh để rồi bùi tai và mê mệt…
Trong vô thức, người đàn ông cho rằng mình phải làm thế nào để giữ được thế mạnh, giữ được “phong độ” nên họ tự nhiên cảm thấy có trách nhiệm phải thay đổi, điều chỉnh hành vi, điều chỉnh phong cách mới giữ được sự tôn trọng, sự nể phục hoặc được “khiếp sợ” từ người khác.
Ngôn ngữ của đàn ông cũng là một quá trình luôn thay đổi, tìm kiếm hình thức mới để chuyển tải ý tưởng, để nhấn mạnh tính cá nhân của mình trong cộng đồng, trong các mối quan hệ xã hội. Cũng chính từ mong muốn “mình là của mọi người” nên người ta có cảm giác người đàn ông thường “nhiều lời, lắm chuyện” trong đám đông, nhưng lại hết sức tiết kiệm lời nói trong gia đình thân thuộc.
Trong nhiều trường hợp khi nói, khi diễn đạt điều gì đó người đàn ông không hẳn là mình, họ đang là “người đóng vai mình”, họ hoá thân vào chính mình, thông qua ngôn ngữ để khẳng định bản ngã.
Trong thực tiễn, sự thành công về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ ở người đàn ông thường được thể hiện ưu thế ở lĩnh vực “ngôn ngữ tư duy”, lĩnh vực tiềm tàng của ký hiệu và dấu hiệu của họ. Người đàn ông mạnh trong việc dùng ngôn ngữ viết hơn ngôn ngữ nói. Rèn luyện ngôn ngữ là một yêu cầu để phát triển sáng tạo, để hoàn thiện giá trị của mỗi người. Người đàn ông luôn có đủ bản lĩnh để thực hiện ước muốn của mình.
(Theo Cẩm Nang Tiêu Dùng)