Y văn thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp hôn mê kỳ lạ. Chẳng hạn, một phụ nữ Mỹ 29 tuổi hôn mê trong suốt 10 năm. Sau đó, một kẻ gian đã mò vào "làm bậy" và chị đã có thai. Đứa trẻ chào đời tháng 5/1996, hoàn toàn khỏe mạnh trong khi mẹ nó vẫn không hề biết gì.
Hôn mê là một trạng thái cực kỳ bí ẩn và phức tạp mà các nhà khoa học chưa lý giải được tường tận. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng đây là một trạng thái của vô thức. Hằng năm ở châu Âu có khoảng 2 triệu người rơi vào trạng thái hôn mê, riêng ở Pháp là 200.000, chủ yếu bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, một số do dùng thuốc quá liều, ngộ độc, dùng ma túy, rượu, hay bệnh tật (lượng đường trong máu tụt xuống quá thấp, tai biến mạch máu não). Rất nhiều trường hợp hôn mê nghiêm trọng và chẳng một thầy thuốc giỏi nào dám khẳng định bệnh nhân có tỉnh lại hay không.
Từ điển Larousse định nghĩa về hôn mê rất ngắn gọn: "Mất ý thức từng phần hoặc toàn phần". Vậy điều gì xảy ra trong não khi một người bị hôn mê? Người ta chỉ biết rằng sau một cú sốc, não sẽ thiếu ôxy trong vài giây và gây ra cái chết cho một số tế bào thần kinh. Chỉ còn chức năng căn bản là được duy trì, chẳng hạn như hô hấp. Ý thức bị đình trệ tức thì và tư duy đương nhiên biến mất.
Nạn nhân nằm "thẳng cẳng" trên giường. Trong đầu người ấy đang diễn ra những gì? Người ấy có nghe được các âm thanh xung quanh? Không ai biết. Suốt quá trình hôn mê, họ phải sống đời sống thực vật và cũng bị đánh giá chẳng khác loài thực vật là mấy. Đó là quan niệm suốt một thời gian dài về hôn mê. Nhưng ở thập niên cuối của thế kỷ 20, người ta bắt đầu thay đổi quan niệm này. Nhờ kỹ thuật hồi sức và tái hiện một số chức năng của mắt, hiện tượng hôn mê đã được xem xét kỹ hơn. Có thể tạm chia hôn mê thành 3 loại:
Hôn mê thực vật: Nếu vài vùng trên não vẫn còn "sức sống" thì nạn nhân rơi vào trạng thái thực vật, nghĩa là cơ thể vẫn có thể phản ứng đôi chút trước một số tác nhân kích thích bên ngoài. Mối dây liên hệ giữa bệnh nhân và thế giới bên ngoài chưa hẳn đã đoạn tuyệt.
Hôn mê sâu: Hiện tượng suy giảm hô hấp đã xảy ra.
Hôn mê vượt ngưỡng: Nghe có vẻ lạc quan nhưng kỳ thực đây là lúc nguy hiểm, có thể xảy ra chết não.
Nạn nhân có thể chịu đựng tình trạng vô thức trong bao lâu? Rất khó xác định, có thể vài giờ, vài tháng, thậm chí vài năm. Y văn có ghi lại những ca hôn mê lịch sử như trường hợp của chị Elaine Esposito. Ngày 6/8/1941, chị lên bàn mổ vì viêm ruột thừa và hôn mê hơn 37 năm sau đó. Đến cuối năm 1978, Elaine ngừng thở mà không tỉnh lại phút nào.
Có trường hợp sau thời gian hôn mê kéo dài, có khi vài chục năm, bỗng một ngày bệnh nhân tỉnh lại, ăn nói khúc triết và tỉnh như sáo. Hans Waltrand hôn mê do ngã từ lầu 3 xuống đất. Sau 6 năm chìm vào giấc ngủ vô thức, Hans đột nhiên tỉnh lại, lúc đó người đàn ông 37 tuổi này đã trở thành niềm tự hào của nước Áo.
Bé gái Dominicque Sagan (Pháp) hôn mê do bị xe tải hất tung sang vệ đường. Lúc đó bé mới 2 tuổi rưỡi. Sau 27 năm chìm trong giấc ngủ sâu, Dominicque qua đời.
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, ý thức chưa chắc đã rời khỏi một bệnh nhân đang hôn mê và vì thế, người ta không coi họ là "một cái cây" nữa. Nhiều trung tâm y tế đã sử dụng những biện pháp kích thích phục hồi như massage, cho thân nhân trò chuyện hằng ngày, sử dụng âm nhạc, tắm trong bể bơi... Tuy nhiên, cũng có những người chẳng cần bất cứ cách trị liệu nào, một ngày đẹp trời bỗng tỉnh lại. Có một điểm chung là những ai may mắn trở về với cuộc sống đều thay đổi tính khí, trở nên nhạy cảm hơn. Đa phần họ không tài nào nhớ nổi điều gì đã khiến mình rơi vào trạng thái hôn mê. Có người tỉnh táo nhưng bị liệt, phải tập đi, tập nói như con trẻ. Cho dù sau này có tỉnh táo đến đâu, họ cũng vướng phải "lỗ hổng" trí nhớ, rối loạn nhân cách cũng như có các triệu chứng đau đầu dai dẳng. Số người tiếp tục nghề cũ chỉ chiếm 1/10, còn tiếp tục lao động cống hiến cho xã hội chỉ chiếm non nửa.
Một điểm nữa có dính dáng đến hôn mê là cái mà người ta hay gọi là: kinh nghiệm cận kề cái chết. Một số người hiếm hoi sau khi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần kể lại rằng họ "bay bổng lên, sau đó chui tọt vào một đường hầm, rồi rơi vào một vùng sáng lóa". Nhà văn Philippe Labro, nạn nhân của một trận hôn mê kéo dài 4 ngày đã ghi lại trong tác phẩm La Traversée: "Một giọng nói từ đâu vọng đến, cho tôi biết rằng tôi sắp chết. Tôi có cảm tưởng đó chính là giọng nói của ý thức". Khi mở mắt ra trên giường bệnh, Philippe nhớ như in cảm giác "vừa trồi lên từ đáy biển sâu sau một thời gian nhịn thở tối đa".
Theo các nhà khoa học, gan có thể không cần ôxy trong vài phút, tim cũng chịu đựng được lâu (kỷ lục là 4 giờ) nhưng với não, thiếu ôxy trong vòng 3 phút là thảm họa. Về vấn đề lỗ hổng trí nhớ, các nhà thần kinh học cho rằng số nơron trong não không còn đủ "chất" và "lượng" như xưa nên trí nhớ méo mó dẫn tới các ảo giác là điều dễ hiểu.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)