Khỏe bên ngoài thôi chưa đủ, nhất định phải khỏe cả bên trong, như vậy, khi chúng ta kết hợp thêm vào ăn uống và tập luyện, cơ thể mới có thể chống chọi được với bệnh tật nguy hiểm.Cả các nghiên cứu gần đây của Tây y đã phát hiện ra hơn 200 căn bệnh khác nhau có liên quan trực tiếp tới cảm xúc của con người. Các tình tố trong lòng sẽ tác động trực tiếp tới lục phủ ngũ tạng, làm thay đổi hiệu quả hoạt động của các chức năng cơ thể. Từ xa xưa, y học cổ truyền cũng đã chỉ ra rằng, bản đồ cảm xúc trong thân thể mới là con đường nhanh nhất để kiểm soát sức khỏe. Nhưng khi cảm xúc không thể khống chế, nó sẽ trở thành tác nhân gây hại trực tiếp cho cơ thể.
Trong cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh”, một tác phẩm y học nổi tiếng của Trung Hoa từ 5000 năm trước, 7 loại cảm xúc tiêu cực có thể gây ra nhiều loại bệnh tật nghiêm trọng nhất chính là: Kinh, Hỷ, Nộ, Tư, Bi, Ưu và Khủng. Mỗi cảm xúc khác nhau lại dẫn tới những tác hại khác nhau cho lục phủ ngũ tạng con người theo quan điểm “hình thần hợp nhất”.
Sự tức giận
Mỗi cơn giận có thể ứng với một trận “động đất” của cơ thể. Theo Đông y, “nộ” ứng với tạng Can, là nơi điều tiết lượng huyết, giúp khí tức lưu thông toàn thân mà không trệ, tán mà không uất. Còn theo Tây y, sẽ có 20 loại bệnh tật có khả năng sinh ra trong cơn tức giận như là khó thở, tức ngực, mọc u, viêm loét dạ dày, đột quỵ, nhồi máu não, mất ngủ, suy nhược thần kinh, tăng sản vú, ung thư phổi....
Từ hậu quả nghiêm trọng của nó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, hãy học cách kiềm chế cơn giận bằng cách nhắm mắt lại, hít thở thật sâu và nhắc nhở mình không được đưa ra bất cứ quyết định quan trọng gì trong thời điểm này. Nạp thêm các protein và chất béo vào cơ thể có thể giúp tâm trạng bình tĩnh hơn.
Sự ưu phiền
Tỳ khí kiên định thì khí huyết và dinh dưỡng của tứ chi mới sung túc. Các nỗi buồn kéo dài sẽ gây áp lực gia tăng, dẫn tới hậu quả là quá trình vận chuyển khí huyết gặp vấn đề, đẩy cao nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và hội chứng chuyển hóa.
Tâm trạng xấu cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và ăn uống. Khẩu vị của chúng ta sẽ nghiêng về các thực phẩm có vị chua, đắng hoặc ngọt, gây thừa cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, và để lại hậu quả lâu dài là các bệnh huyết áp, đường huyết.
Vì thế, hãy tập “hành động tâm lý giả tạo” là mỉm cười để giải phóng những áp lực, cảm xúc tiêu cực trong lòng khi cảm thấy buồn phiền nhất. Các lớp học yoga, thiền, khí công… đều có thể trợ giúp chúng ta lấy lại tâm tình hòa ái, thoải mái hơn.
Nỗi sợ hãi
Sợ hãi, lo lắng, bồn chồn là những cơ chế thuộc phòng vệ tự nhiên của cơ thể khi nó nhận thấy mình đang đứng trước một mối đe dọa nào đó về tinh thần hoặc thể xác. Nó có thể giúp chúng ta phòng vệ trước hiểm nguy nhưng đồng thời cơn sợ cũng khiến tâm lý trở nên mất bình tĩnh, dễ mất tự tin, không muốn đối diện…
Tình trạng này nếu bị kéo dài trường kỳ, hệ thần kinh sẽ trở nên “căng như dây đàn”, có thể “đứt” bất cứ lúc nào, dẫn tới bệnh lý rối loạn thần kinh hoặc mắc phải các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu…
Để xua tan những tác hại để lại của nỗi sợ hãi, chúng ta phải học cách giữ tâm trạng bình tĩnh trước khó khăn, thử thách, luôn chuẩn bị sẵn tinh thần trước các kết quả tệ nhất, từ đó đối mặt và làm chủ cảm xúc của chính mình.
Cảm giác chán nản
Khi con người rơi vào trạng thái chán nản lâu ngày, não sẽ tự động giải phóng một số hoạt chất để bù đắp, lấy lại trạng thái cảm xúc. Tuy nhiên, chính những hoạt chất này có tác dụng không khác gì thuốc phiện, có thể ảnh hưởng tới nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ miễn dịch, hội chứng chuyển hóa…
Các chuyên gia khuyến cáo không nên để tinh thần rơi vào trạng thái chán nản lâu dài vì dễ sản sinh ra các hormone gây stress như cortisol, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Hãy học cách chủ động thay đổi góc nhìn, tư duy để tiếp nhận những mặt tích cực của vấn đề, ổn định tâm trạng và cải thiện sức khỏe.
Sự thù ghét, hoài nghi
Những người thường xuyên sống trong cảm xúc tiêu cực thường rất dễ rơi vào trạng thái thù ghét và hoài nghi, bao gồm cả bản thân lẫn những người xung quanh. Trung tâm Y khoa của Đại học Mỹ Duke đã nghiên cứu và cho thấy rằng, nguy cơ bệnh tật tổn hại về sức khỏe sẽ tăng cao hơn ở nhóm người thường xuyên xuất hiện cảm xúc thù ghét, so với những người có tính cách thoải mái và dễ chịu. Trường Y tế công cộng Harvard cũng công bố kết quả của tiến sĩ Rosalind Wright và cho biết, tâm lý thù ghét sẽ khiến suy giảm chức năng phổi, gây ra các bệnh lý hen suyễn, bệnh tim mạch…tâm lý chịu ảnh hưởng lâu dài cũng trở nên suy sụp, gia tăng căng thẳng, đánh mất chất lượng giấc ngủ và ăn uống.
Mặt khác, sự khó chịu, bức bối do các cảm xúc tiêu cực mang lại cũng khiến người ta dễ sa vào các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, nghiện đường hoặc nghiện cà phê, thậm chí là nghiện các loại chất kích thích… Đây là nhân tố chính gây tổn hại đến sức khỏe một cách nghiêm trọng.
Không kiểm soát được cảm xúc
Các khảo sát và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cảm xúc của chúng ta cũng dễ biến đổi, dao động lớn hơn và dẫn tới mất kiểm soát theo sự thay đổi của các mùa. Vào mùa hè, hỏa vượng dẫn tới “nộ” tăng, chúng ta dễ cảm thấy bực tức, cáu kỉnh, rơi vào tranh cãi và gây hấn với những người xung quanh. Ngược lại, trong mùa đông, cảm giác chán nản và ưu phiền lại tăng cao, tạo thành áp lực tâm lý, dễ dẫn tới các bệnh rối loạn cảm xúc, trầm cảm…
Vì thế, để có thể sở hữu một nền tảng thể lực, sức khỏe tốt, chỉ riêng thực hiện một chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên là không đủ để duy trì các chức năng cơ thể. Muốn khỏe mạnh bên ngoài, trước hết phải khỏe mạnh từ bên trong. tâm lý có vững vàng, cảm xúc có bình an thoải mái thì các chức năng cơ thể mới có thể hoạt động bình thường, không phải chịu các áp lực tiêu cực thường xuyên.