Mẹ phải ngâm “trứng” vào nước một thời gian rồi mới nấu. Mẹ bảo có như vậy, “trứng” mới mềm và ngon được. Hồi đó, trí óc non nớt của con không hiểu nổi những điều mẹ đang làm. Mãi sau này, con mới biết tại sao món cơm của mẹ lại đa dạng đến vậy. Như bao gia đình khác, gia đình mình cũng thiếu thốn, gạo không đủ ăn. Bởi vậy, mẹ phải độn thêm khoai, sắn vào nấu cùng cơm. Và “cơm trứng” của mẹ, thực chất chỉ là cơm nấu độn ngô xay nhỏ, chứ chẳng hề có trứng như lời mẹ vẫn nói.
Có lúc khó khăn quá, thiếu gạo, để nhường cơm cho các con và cho ba “ăn để đủ sức lao động”, mẹ chỉ ăn sắn nên nhiều lần mẹ bị say. Những tháng ngày khó khăn phải ăn cơm độn ấy rồi cũng qua đi. Giờ đây, khi nghĩ về cơm sắn, cơm khoai và đặc biệt là “cơm trứng”, con lại không khỏi bùi ngùi. Bởi trong đó chất chứa tình thương vô bờ và cả sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho ba, cho các con. Những món cơm ấy luôn nhắc nhở con về những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn nhất của gia đình.
Đã lâu lắm, con chưa được thưởng thức nồi cơm mẹ nấu. Mỗi khi nhìn thấy miếng sắn, củ khoai, hay trái bắp vàng, lòng con lại tràn đầy ký ức về nồi cơm của mẹ. Những món ăn tuổi thơ mãi mãi in đậm trong con.
Nguyễn Thị Nga (Sơn Dương - Tuyên Quang)