Cứ nhìn cái lớp trống hoác và một mình con đang vừa dội nước vừa loẹt xoẹt cọ rửa thì chị hiểu cái trò ném mắm tôm vào lớp học chính là của thằng con chị...
“Trời ơi, sao tôi lại sinh ra đứa vừa ngu vừa nghịch thế này!”. Nghe tiếng vợ gào lên một cách thảm thiết, anh Nam vội vàng chạy ra thì thấy chị Nhung một tay kéo con sền sệt một tay vung lên vung xuống loạn xạ, miệng thì liên tục than thân trách phận, oán thán ông trời rồi xem lẫn cả những câu mắng xa xả thằng con trong khi mặt mày nó đang tái mét vì sợ.
Anh Nam lắc đầu ngán ngẩm. Không phải anh bỏ bẵng chuyện dạy dỗ con cái, không anh không uốn nắn, đe nẹt con hàng ngày nhưng thói quen rồi chứng nào tật ấy, thằng Quân cứ được một hai hôm sau khi khoanh tay tự hứa với bản thân và với bố mẹ lại đâu vào đấy, lại quậy tưng bừng cả lớp cả trường
Đợi chị dậm chân la mắng con một hồi xong xuôi anh Nam mới mon men lại gần đưa cho vợ cốc nước rồi hỏi han đầu đuôi ngọn ngành mặc dù anh biết chắc lí do lại vẫn là thằng Quân nghịch ngợm, phá bĩnh gì trên trường rồi cô giáo mời phụ huynh lên gặp. Chuyện đó dường như đã trở thành thông lệ của gia đình anh, kể từ khi vợ từ nước ngoài trở về mỗi ngày, mỗi tuần… đều có giấy mời hoặc điện thoại của cô giáo chủ nhiệm của con đến độ anh không dám đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm của con mà đùn trách nhiệm đó cho vợ. Không biết lần này nó lại bắt sâu bỏ vào áo bạn, thả gián vào trong hộc bàn hay lại dám “hiên ngang” mang bút xóa lên xóa sổ ghi đầu bài của cô giáo…?! Gặng hỏi mãi thì vợ vừa rưng rức khóc vừa kể cho anh nghe. Hôm nay nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp con, chị Mai lại vội vàng đến trường. Đến nơi, vừa bước vào cửa lớp mùi mắm tôm nồng nặc, tanh ngòm xông lên mũi, chị thấy thằng Quân, con chị, một mình hì hục xách nước cọ rửa toàn bộ lớp học là chị phần nào đoán được lí do mình được mời đến trường.
Cứ nhìn cái lớp trống hoác và một mình con đang vừa dội nước vừa loẹt xoẹt cọ rửa thì chị hiểu cái trò ném mắm tôm vào lớp học chính là của thằng con chị. Chị chỉ ước sao lúc này mặt đất có thể nứt ra để chị có thể chui tọt xuống đó cho hết xấu hổ, để không phải muối mặt mà gặp cô giáo chủ nhiệm của con. Chị không ngờ cái đầu bé tí của thằng con chị nâng niu, chiều chuộng, suốt ngày chỉ chứa những trò nghịch ngợm tinh ranh còn học hành thì chểnh mảng. Đã vậy học hành lại còn lẹt đẹt 2 năm 3 lớp, giao bài tập bắt ở nhà làm thì mắt trước mắt sau nó thấy mẹ vừa quay đi chỗ khác là lẻn chạy đi chơi mất...
Chị khóc nấc gục đầu vào vai chồng: “Em có lỗi khi quá mải miết lo lắng, theo đuổi sự nghiệp mà lúc con chưa đầy năm tuổi đã xa con đến hàng mấy năm trời. Em lại càng có lỗi hơn khi con hư vì muốn bù đắp cho con nên em luôn tìm cách che chở mỗi khi anh mắng, phạt con. Em xin lỗi! Em xin lỗi anh và con!”. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lí, việc trẻ có những hành động nghịch ngợm thái quá một phần do tính cách của trẻ, một phần do yếu tố giáo dục không đúng đắn của cha mẹ tạo nên. Việc giáo dục trẻ cần phải được dựa trên sự yêu thương và quan tâm đúng cách và có sự thống nhất giữa cha mẹ. Không để tình trạng cha mẹ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trẻ không biết nghe theo lời ai và vì thế lời nói của cha mẹ cũng dần mất trọng lượng. Hãy gần gũi và thân thiết với con, chịu khó lắng nghe những điều con nói hơn là chỉ biết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho trẻ.
Theo Afamily