Ở hầu hết những gia đình “con quý con báu”, mọi kỳ vọng của cha mẹ đều đổ dồn lên vai đứa trẻ. Con cái giống như phương tiện để thực hiện tiếp những ước mơ… dang dở của cha mẹ. Nhưng trước khi những ước mơ của cha mẹ được “chuyển giao thế hệ”, họ có chung một “triệu chứng” điển hình: xem “con hơn vàng hơn ngọc”, sẵn sàng trở thành “nô lệ” của con. Cái tôi ích kỷ vì thế trong con trẻ có điều kiện lớn nhanh như thổi, cắm rễ khá vững chắc vào tâm thức. Để rồi khi cha mẹ bắt đầu có sự uốn nắn hành vi, thì lập tức đứa con phản ứng dữ dội: nhỏ thì nhịn ăn, ói, đập đầu, ăn vạ, hành hung người thân… Lớn hơn thì bỏ nhà đi, dọa tự tử hoặc tự tử thật (nhưng có báo cho cha mẹ biết trước để… cấp cứu và liệu mà biết điều!). Khi những đứa “con độc, con quý hiếm” dở chiêu “khủng bố” kiểu này, cha mẹ thường hay… đầu hàng, vì: “lỡ nó có chuyện gì thì tôi làm sao sống nổi”! Tới đây, phòng tuyến giáo dục đã bị phá vỡ hoàn toàn, quý tử sẽ thừa thắng xông lên, lúc nào cũng ở tư thế “tổng tấn công và nổi… loạn”! Lúc ấy, cha mẹ chỉ còn cách đổ thừa: “Số tôi vô phúc, không được nhờ con”, “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”…
Những “cục vàng cục ngọc” này lớn lên trong sự úm kỹ của cha mẹ, nên mất hẳn cơ hội học tập những kỹ năng sinh tồn quan trọng như: chấp nhận, thích nghi, xử lý tình huống, hòa giải, dàn xếp, linh hoạt, kiềm chế v.v… Chúng chỉ biết đòi hỏi, sống lắt léo, nịnh bợ để đạt được yêu sách. Trẻ lớn lên với ý thức đen đặc trong đầu “tôi là cái rốn của vũ trụ”, chúng sẽ chẳng coi ai ra gì. Chúng ta chắc chưa thể quên cái chết oan uổng thương tâm của GS Phạm Khắc Chi. Hung thủ là Đỗ Thưởng, nhân viên của GS, đã giết người vì lý do “GS Chi cứ luôn phê bình, góp ý nên ức không chịu nổi...”. Hắn là đứa “con độc”, lại thuộc hàng học cao học giỏi nhất ở quê, nên chuyện có người cứ luôn phê bình góp ý là điều hắn không thể chấp nhận. Đó là một dạng biến chứng nguy hiểm của hội chứng con một.
Vậy phòng ngừa hội chứng con một như thế nào, khi cha mẹ chính là người “tạo bệnh” cho con cái?
Con trẻ ngoài cần học kỹ năng sống, cũng cần phải học biết yêu thương là gì. Ngày nay, trong các gia đình hiện đại, những bài học sinh động về kỹ năng sống vừa quý giá, vừa vui, vừa dễ, nằm gọn trong các công việc nhà đã được “thân tặng” hết cho các cô Ôsin. Nhiều phụ huynh có những lời tuyên bố rất chi… rùng rợn: “Tôi có một đứa con thôi, không bao giờ tôi để con phải làm những việc vớ vẩn”. Nghe mà tội nghiệp biết bao cho những đứa con của họ. Chúng ta chắc không lạ gì câu chuyện về những đứa “con quý con hiếm”, sau giờ học chữ ở lớp, chỉ suốt ngày rong chơi hồn nhiên. Đến khi gia đình gặp biến cố, chúng không thể tự xoay trở, đã gào lên: “Ba mẹ làm khổ con, mẹ ơi mẹ sinh con ra để làm gì, tại sao mẹ không dạy con từ trước...”.
Xin kể ra hai câu chuyện rất đáng để suy ngẫm:
Một phụ nữ rất giàu, chỉ có đứa con trai duy nhất đã ở vậy nuôi con khi chồng đột ngột qua đời năm cô 26 tuổi. Giàu vậy, nhưng mỗi ngày đi học, cậu bé chỉ được mẹ cho 2.000đ, đủ để uống một ly nước chanh. Một lần (năm cậu bé khoảng chín tuổi), cậu rụt rè xin mẹ thêm 2.000đ nữa để “đãi bạn uống nước chanh, vì hôm qua bạn mời con ăn bánh”. Bà mẹ bèn hỏi con: “Khi con nhận quà của bạn, con có nghĩ ra được cách nào để có tiền đãi lại bạn, ngoài cách xin thêm tiền mẹ không?”, cậu bé hồn nhiên: “Dạ không ạ”, “Thế tại sao con lại nhận quà của bạn? Con làm gì cũng phải suy nghĩ trước rồi hãy làm. Ta sẽ giải quyết chuyện này như vầy: Hôm nay con mang nước lọc đi học, để dành 2.000đ lại, cộng với 2.000đ của ngày mai, con sẽ đủ tiền đãi bạn cùng uống nước chanh”. Đó là quy trình giáo dục đúng: bà mẹ không mắng, mà cho cậu bé cảm nhận tình huống, vạch ra sai sót, rồi gợi ý cho con giải pháp để khắc phục hậu quả. Người mẹ tâm sự: “Không có gì dễ và sướng bằng mở ví lấy tiền cho con. Nhưng không có gì khó bằng dạy con cách xài tiền”.
Một đại gia ngành xe hơi ở Úc đã rèn hai đứa con mình như sau: tốt nghiệp phổ thông xong, ông không cung cấp cho con tiền tiêu nữa, mà chỉ cho tiền học (để học tiếp đại học) và tiền ăn ở mức tối thiểu. Ngoài những giờ học, ông xếp cho hai anh em vào làm ở hai khâu khác nhau trong dây chuyền của công xưởng, chịu sự điều hành trực tiếp của đốc công, ăn lương ngang bằng với mọi người khác. Ông nhà giàu có rất nhiều căn hộ cho thuê. Nhưng ông chỉ cho hai anh em chia nhau chung một căn hộ hai phòng ngủ không phải trả tiền thuê nhà, nhưng phải tự trả tiền điện nước. Ông cũng cấm hai đứa con đi làm việc thì không bao giờ được điện thoại “méc”: “Ba ơi, đốc công ăn hiếp con”. Cứ sau sáu tháng hoặc một năm, ông lại luân chuyển các con sang bộ phận khác. Đến khi cả hai anh em cùng tốt nghiệp thạc sĩ, ông bố mới thông báo với các con là ông chuẩn bị chia đôi gia sản cho mỗi đứa một nửa để thu xếp dưỡng già. Ông giải thích: “Ngày xưa, ba không muốn nghe méc vì khi các con quản lý doanh nghiệp, mọi khó khăn các con phải tự tháo gỡ, đâu có méc ai được”. Hai người con cho biết giờ đây họ rất tự tin tiếp quản nửa số sản nghiệp của cha. Và quan trọng nhất là họ cảm nhận được tình thương vô bờ bến cha dành cho mình.
Vậy đấy, là phụ huynh, nếu chỉ vì ít con hoặc có duy nhất đứa con mà thiếu tỉnh táo khi giáo dưỡng trẻ, thì nguy cơ hái trái đắng của bạn sẽ rất cao.
Phương Mai