Thấy bác hàng xóm phàn nàn thằng cu Mít nhà chị với thằng cu Sao ném cát vào bể nước nhà bác, chị Liên nghĩ: “Về phải cấm con mình chơi với thằng Sao ngay thôi”.
Chị Liên giận sôi người thì thấy bác hàng xóm chạy sang nhắc nhở: “Cô Liên này, hôm nay thằng cu Mít nhà cô và thằng cu Mo nhà anh Kiên sang nhà tôi đập vơ cái chum nước đấy. Tôi quát chúng mà chúng vẫn không sợ, thản nhiên bảo: cháu thích cháu cứ đập. Cô xem dạy lại thằng bé đi nhé, hư quá”.
Không cần biết đúng sai thế nào, đầu đuôi ra sao, chị cầm roi đánh thật đau mấy cái vào mông thằng bé và gào lên: “Hư này, làm bố mẹ mất mặt với hàng xóm này. Từ ngày chơi với thằng cu Mo là hư hẳn lên. Từ giờ, mẹ cấm con chơi với thằng Mo nghe chưa? Cấm tiệt chơi với con nhà hư hỏng như thế”. Thằng Mít khôn ranh, nghe mẹ nói vậy liền nịnh nọt: “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi, mai con không chơi với thằng Mo nữa. Mẹ tha cho con”. Nghe đến đây, chị Liên mát lòng, nghĩ bụng, có thế chứ, không chơi với thằng bé kia là con mình lại ngoan như trước ngay.
Ấy thế mà chỉ ngay hai ngày sau, chị lại phải muối mặt xin lỗi khi một bác hàng xóm khác lại sang phàn nàn rằng thằng cu Mít lại rủ thằng cu Sao sang ném cát vào bể nước nhà bà. Lần này chị Liên hậm hực: “Lại là thằng Sao, về phải cấm con mình chơi với thằng Sao ngay thôi!”.
Cứ như vậy, liệu chị Liên có cấm con mình chơi với tất cả bọn trẻ con trong khu phố hay không? Chị Liên đã mắc phải một sai lầm lớn, đó là trước khi ngăn cấm con kết bạn với ai, phải khách quan trả lời câu hỏi tại sao bạn không thích bạn của con. Một số cha mẹ chủ quan cho rằng con mình hư là do bạn bè xúi bẩy, trong khi thủ phạm chuyên gây sự lại có thể chính là con mình.
Trẻ em lớn dần lên cũng là lúc chúng chịu tác động và ảnh hưởng tính cách từ cha mẹ, người thân và bạn bè. Vì vậy, khi con tỏ ra không ngoan thì không thể đổ hết lỗi do chúng bị bạn bè xấu xúi giục. Trong trường hợp này, trước khi tỏ ý ngăn cấm con kết bạn với ai đó, hãy khách quan trả lời câu hỏi tại sao bạn không thích bạn của con. Ngoài ra, đừng can thiệp quá sâu vào mối quan hệ của con mà hãy khuyến khích, hướng dẫn con tự giải quyết những rắc rối (xin lỗi, khắc phục lỗi sai). Điều này sẽ rất có lợi cho trẻ khi trẻ lớn lên.
Cha mẹ cũng không nên quá thành kiến với con. Bởi trẻ luôn nhớ rất rõ những điều người lớn nhận xét, và một khi bạn có thành kiến với trẻ thì trẻ cũng sẽ có thành kiến với bạn. Lối giáo dục con theo kiểu lạm dụng quyền lực không được khuyến khích ở đây. Thay vào đó, cha mẹ nên đối thoại với con, dành thời gian chia sẻ tâm tư tình cảm với con để hiểu con hơn, hiểu được nguyên nhân dẫn đến việc con ngày càng bướng bỉnh, khó bảo và lầm lì. Từ đó, việc thay đổi tính cách của con sẽ có hướng cụ thể và hiệu quả hơn nhiều.
Theo Afamily