Sống chung với "lũ"?!
1/ Vợ lên mạng tìm đọc rất nhiều diễn đàn để xem tại sao chồng mình lại mê game online đến thế. Đọc hết rồi nhưng chưa hiểu tại sao, càng không tìm ra cách chữa trị căn bệnh này. Nghĩ ra một cách là khi chồng chơi thì đưa cháu cho ông bà nội trông, vợ lấy ra một cái ghế ngồi cạnh chồng, vừa xem chồng chơi vừa bình luận, hỏi han cách chơi và lồng vào đó những câu hỏi để xem chồng nghĩ gì về VLTK.
Được vài ba lần thì nghiệm ra một điều là thôi đừng mong gì chuyện ông ấy bỏ game. Chỉ trừ tự ông ấy không muốn chơi nữa hoặc ông ấy từ bỏ để làm những công việc quan trong hơn hoặc là cần thiết hơn...
2/ Chồng mê game như điếu đổ, vợ kiếm thêm tài liệu cho chồng dịch để tăng thu nhập, phải dụ dỗ là anh dịch đi để có tiền chơi game. Chồng dịch ngay! Vợ ra điều kiện: :"Mỗi ngày dịch thêm ba trang là em cho chơi thêm buổi đêm..."
"Thế thì còn gì bằng", chồng dịch tài liệu rất giỏi, có hôm dịch vèo hết liền 6 trang, hớn hở khoe vợ đạt thành tích năng suất cao. Thế là đêm đó chơi... trắng đêm luôn mà vợ phải im như thóc.
Chẳng phải, có người từng nói "Đàn ông, suy cho cùng chỉ là những... đứa trẻ già đời"?
Vợ thở dài: "Đành phải "sống chung với lũ" thôi. Nói theo phép tự chiến thắng tinh thần của Lỗ Tấn trong "AQ chính truyện", dù sao thà chồng mình nghiện Game vẫn còn hơn là nghiện ma tuý."
Từ nghiện nhẹ...
3/ Thế giới ảo làm cho các ông chồng thoả mãn những ước vọng mà đời thường không có?! Nếu không có game thì các ông chồng rất có thể cũng tìm một trò giải trí khác chưa chắc đã tốt hơn!
Vậy thì đừng vội cấm đoán, mà chỉ nên tìm cách lôi kéo các ông xã tham gia vào những công việc chung của gia đình của xã hội (ở ngoài đời thật), giao việc như "làm nhiệm vụ" trong game...
Trước hết là như thế, sau đó là đặt các mục đích cao hơn để ông ấy phấn đấu. Khi chồng có công việc mới sẽ tự thấy game chiếm quá nhiều thời gian và biết đâu có thể bỏ được thì tốt biết mấy...
4/ Nếu muốn "cai nghiện" game cho các ông xã, chị em nên tìm mọi cách hội đủ các điều kiện sau:
- Làm cho ông xã bận rộn (việc nhà, việc công, học hành,đi ngủ đúng giờ....)
- Làm cho nhân vật trong game của ông xã... lên level chậm hơn những người cùng chơi khác, không có thời gian chơi thì lên level sẽ chậm. (Lên level chậm thì sẽ nản, tự ái mà bớt chơi đi chăng?!...)
- Nhắc chồng về những kế hoạch hiện tại và tương lai, bày tỏ (chút xíu thôi nhé) việc sẽ thất vọng nếu thấy chồng thay vì tìm cách thực hiện kế hoạch như đã định lại dành thời gian cho game quá nhiều!
- Không cấm tiệt chồng chơi, thỉnh thoảng vợ cũng vào... chơi cùng!
- Làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn cả game! "Ông xã nhà em luôn phải đi ngủ cùng em, vì ổng mà thức, em cũng thức luôn, ông xã nhà em sợ lắm nên toàn chơi vào lúc tối, giờ vợ đang nấu cơm, sau bữa ăn.... Em giao hẹn với ông xã, cứ một vài hôm cho em một tối, lúc thì đi xem phim, lúc thì mua phim về xem, lúc lại rủ xem HBO để nâng cao luôn trình độ tiếng Anh".
Tuy nhiên, cách này có lẽ chỉ áp dụng được với các ông xã chưa bị "nghiện" quá nặng (nghĩa là chưa vào bang hội, nhất là đối với ông chồng nào mà chơi Võ Lâm đến chức "Bang chủ", e rằng rất "khó cai" - chiêu này không mấy hiệu quả!
Đến nghiện nặng
5/ Chồng nghiện game, chơi nhiều tới mức lập bang hội, tối thứ tư nào cũng hẹn "hảo hữu" trong bang đi "công thành", rồi "chiến trường Tống Kim nữa chứ"... Ngày đi làm, đêm ngồi "cày" miệt mài, bỏ mặc vợ đang mang bầu không thèm quan tâm.
Vợ mua nguyên cái laptop mới keng... hì hục chơi, buổi tối vợ chơi laptop, chồng chơi máy nhà.. Vợ xin cậu em trai cho một con level cao chất ngất, chỉ cách chơi, rồi vào game cứ đi tìm "con" của chồng để đánh cho te tua... Vừa tự ái vì thua vợ, vừa sợ vợ chơi nhiều ảnh hưởng đến thai nhi, chồng hết dám chơi đêm!
6/ "Khủng" nhất là "chiến thuật đạp đổ" của một số bà vợ có chồng quá ham mê game VLTK, tự ái vì không được chồng quan tâm "ổng mê game hơn mê... vợ", các "hảo hán quần hồng" này bàn nhau trăm phương ngàn kế cho chồng "hết chơi game luôn".
Chiến thuật "hủy diệt: đề ra được chị em "quán triệt": Làm hỏng, làm tụt hạng, thậm chí xóa nhân vật, làm mất hết đồ quý... của nhân vật mà chồng chơi trong game. Điều này, được chị em giải thích: "Chơi tốn nhiều công sức, mà bị tụt hạng, thua bạn kém bè, mất hết thành quả thì sẽ nản mà nghỉ chơi..."
Một vài chị em quyết liệt hơn, còn tuyên bố: "Cài keylog (phần mềm theo dõi hoạt động của bàn phím) để lấy mật khẩu, đợi lúc chồng không có nhà quậy bung bét, mang hết đồ quý nhờ người quen bán lấy tiền mua.... sữa cho con" Có chị cao thủ hơn, phán "xanh rờn": "Thiếu gì cách hack được mật khẩu, nghiện nặng quá thì chỉ còn cách... xóa nhân vật luôn. Chắc chồng không đủ kiên nhẫn để chơi lại từ đầu!"
Các đức lang quân mê game online hơn vợ, đọc đến đây chắc không khỏi... dựng tóc gáy, nổi da gà?!
Đằng sau những câu chuyện và lời lẽ đầy chất hài hước, là cả một "bầu" tâm sự của chị em, mong rằng, nhiều bậc "cao thủ", "đại hiệp", "hào kiệt"... mê game cũng đọc được những dòng này và ý thức lại được những giá trị trong cuộc sống thật của mình.
Để có góc nhìn nghiêm túc hơn về những tác hại của nghiện game, VietNamNet đã có trao đổi về "vấn nạn" này với bà Phùng Thị Hiên (Trưởng phòng tư vấn tâm lý Công ty An Việt Sơn). Bà Hiên đã đưa ra một vài đánh giá và tư vấn:
Chuyên gia tâm lý nói gì? |
Phân tích tâm lý Nghiện game quá độ là khi con người không còn làm chủ trò chơi mà bị trò chơi làm chủ mình, bị cuốn theo và phụ thuộc vào nó. Trò chơi càng cuốn hút khi nó giống với thế giới thật (có nhân vật, sự kiện, tình huống…) có yếu tố thắng thua để kích thích, có tình huống gay cấn để kích động, có hình ảnh, màu sắc, âm thanh để cuốn hút…và điều quan trọng là mỗi người có cơ hội được bộc lộ cái Tôi của bản thân, họ hoàn toàn được bộc lộ hết mình mà không hề chịu sự kiểm soát bởi bất cứ ai, bất cứ cái gì…Thua, họ thiệt hại nhưng không bị ai chê trách. Thắng, giá trị của họ được đẩy cao, vị trí của họ được khẳng định. Họ thực hiện được những mong muốn, ước vọng của mình cả trong vô thức và ý thức… Những, điều này thật cuốn hút khiến họ “sống” trong đó và “quên” mất rằng đó là thế giới ảo. Phân tích điều này để thấy rằng nghiện game là không khó và bỏ nó quả không phải là điều dễ dàng. Cộng thêm người chơi có thể còn có tâm lý tự an ủi bằng cách so sánh với các hình thức khác: Cờ bạc, nghiện hút, bồ bịch….thì đây là còn là một hình thức giải trí khá lành mạnh: Không vi phạm các giá trị đạo đức, đơn giản chỉ là “tốn chút ít” thời gian. Tác hại? Về mặt tinh thần: Việc ham mê game quá độ khiến cho người chơi về có tâm lý phụ thuộc. Trong vô thức họ đặt mục đích của thế giới ảo cao hơn mục đích ngoài thực tế. Điều này, đôi khi thúc đẩy họ làm nhanh, làm chiếu lệ những công việc ngoài thực tế để giành thời gian thực hiện những công việc những mục đích trong thế giới ảo. Một vài tư vấn cho chị em có chồng nghiện game thái quá Trước hết, chính người vợ cần hiểu được lý do dẫn đến việc nghiện game, thậm chí hiểu cả về thế giới game, nhân vật trong game để có thể cảm thông cho chồng và giúp chồng “cai” bằng cả tấm lòng của mình. Đồng thời, việc hiểu biết cũng giúp vợ có thể chia sẻ cùng chồng những cảm giác của thế giới ảo anh đang trải nghiệm, trao đổi được về các trò chơi, các nhân vật, tình huống trong thế giới game, có những phân tích hợp lý và hợp với thực tiễn để các ông chồng tỉnh ngộ. Đơn cử như nghe chồng hào hứng kể về những thành tích của mình trong việc kiếm tiền và mua đồ…khuyến khích những thành công của anh ấy nhưng cũng không quên nhắc anh ấy về việc con trai cũng đang rất muốn anh ấy mua cho những quyển sách quyển truyện… Chuyên gia tâm lý Phùng Thị Hiên(Trưởng phòng tư vấn tâm lý Công ty An Việt Sơn, phụ trách đường dây nóng: 1900 58 58 86). |