Ở chung hay ở riêng với cha mẹ sau khi cưới hiện nay vẫn là một vấn đề “nan giải" đối với các cặp vợ chồng trẻ. Hạt cơm ăn còn vãi, chồng bát còn có khi xô nhau nên chuyện nảy sinh mâu thuẫn là điều không tránh khỏi.
Những cậu ấm, cô chiêu khi xuất giá
Hằng là một cô gái xinh đẹp, lại có học thức. Bố cô mất sớm, mẹ cô ở vậy nuôi con. Học rất giỏi, lại có nhan sắc nên không ít những chàng trai theo đuổi, Hằng chọn Bình, một người đàn ông hết sức bình thường, không đẹp trai, cũng không tài hoa, giàu có.
Bố mẹ Bình chỉ là công chức về hưu, tiền lương chỉ đủ chi dùng cho hai ông bà nên cũng chẳng có của ăn của để dành cho con cháu. Bình lại là con một trong nhà nên hầu như mọi chi tiêu đều do bố mẹ quyết định.
Khi hai người đến với nhau, thấy Hằng xuất thân như vậy nên Bình cũng nói rõ hoàn cảnh của mình cho Hằng nghe và đề nghị cô suy nghĩ kỹ. Hằng chấp nhận và nói rằng: “Miễn là anh yêu em, còn kinh tế không quan trọng, em hứa sẽ vượt qua được những khó khăn ấy...”. Bình nghe Hằng nói như vậy thì thật sự yên tâm về tương lai của mình. Vào đầu năm 2006 vừa rồi, Bình chính thức đặt vấn đề với mẹ Hằng xin được cưới cô về làm vợ.
Cuộc sống vợ chồng trẻ chẳng hạnh phúc được bao lâu mâu thuẫn gia đình đã nảy sinh. Món nợ cưới lớn của hai người đã đổ lên đầu Hằng một cách quá nặng nề. Nhiều lúc cô cảm thấy buồn chán thất vọng, cảm giác không được tự do, cô thực sự thấy oải.
Từ cách chi tiêu đến giờ giấc sinh hoạt đều chịu sự quản lý, chi phối của mẹ chồng. Vào những ngày nghỉ, Hằng muốn ngủ dậy muộn một chút cũng không được, vì mẹ chồng cô đã vào đến tận giường, gọi dậy giao cho những việc cần dọn dẹp trong buổi sáng như nấu ăn, đi chợ....
Khi còn ở nhà, Hằng chưa bị mẹ giao việc cho mình theo kiểu như vậy nên khi nghe mẹ chồng nói, Hằng thấy rất buồn. Cô ngồi thần ra và nghĩ rằng, không hiểu mình là gì trong căn nhà này? “Mình đã phải lo kiếm tiền, trả một đống nợ rồi, vậy mà một chút tự do cũng không có thì khác gì ôsin?”. Nghĩ vậy, cô bàn với chồng xin ra ở riêng.
Bình thấy khó nghĩ. Mới cưới được vài tháng mà vợ mình lại đòi hỏi việc tày đình như thế, liệu bố mẹ có hiểu cho không? Hay các cụ lại trách móc là anh chiều vợ, không biết dạy vợ... Anh là người đứng giữa, không biết nghiêng về phía ai. Vậy là anh tìm đến các nhà tư vấn để tìm ra “giải pháp” hợp lý.
Lăng kính nhà tư vấn
Chúng tôi thấy Bình là một người đàn ông chững chạc, có suy nghĩ chín chắn, già trước tuổi, rất thương bố mẹ. Đặc biệt hơn, Bình là con một nên càng không muốn sống xa bố mẹ khi các cụ đã vào tuổi xế chiều. Nhưng Bình cũng rất yêu vợ, nếu chiều theo ý muốn “ra ở riêng” của Hằng thì không hiểu bố mẹ anh có thông cảm cho anh không? Hay các cụ lại cho rằng anh là một đứa con trai bất hiếu.
Còn cứ giữ nguyên cuộc sống hiện tại, anh e rằng sớm muộn gia đình sẽ xảy ra chuyện xô xát, cãi vã, nhất là giữa mẹ và vợ anh. Chúng tôi rất hiểu tâm sự của Bình cũng như bao chàng trai trong hoàn cảnh khó xử như Bình. Thường các bạn trẻ ngày nay khi mới lập gia đình, đa phần không muốn ở chung với bố mẹ. Họ nghĩ rằng ở riêng ngay từ đầu là giải pháp tốt nhất vừa giữ được tình cảm ban đầu, vừa tránh những mâu thuẫn không đáng có tiếp theo.
Tất nhiên, các bạn trẻ cũng hiểu rằng, khi ra ở riêng thì các bạn cũng gặp không ít khó khăn, như: bố mẹ ở xa thì không có thời gian đến thăm, mỗi lần đi thì phải sắp xếp công việc gia đình. Đó là chưa kể chuyện, nếu các bạn có con nhỏ thì sẽ ảnh hưởng không ít đến phấn đấu trong công việc, bởi sẽ không có ai giúp đỡ trong chuyện chăm sóc con cái và gia đình.
Nếu như các bạn không có điều kiện ra ở riêng, mà lại chung sống với gia đình chồng nhiều thế hệ thì hãy nhớ đặt cái tôi, cái riêng của mình trong cái chung của tất cả mọi người. Đừng lấy gia đình mình làm chuẩn mực cư xử trong gia đình chồng.
Các cụ xưa bảo: “Nhập gia tuỳ tục”. Các bạn phải hiểu được vai trò đặc biệt của mình trong gia đình, nhất là sau khi đã sinh cho ông bà một đứa cháu khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, lúc đó, sẽ được ông bà, cha mẹ chỉ bảo cho rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con, nhất là những lúc con bạn ốm đau hay những lúc gặp khó khăn về kinh tế.
Minh Phương