Bạn cảm thấy chán nản vì bọn trẻ cứ quấy rầy bạn, những yêu cầu của việc cơ quan và việc nhà thì chẳng bao giờ dứt. Bạn mệt
mỏi, dễ bị kích thích và không thể ngủ được vào ban đêm dù rất muốn được nghỉ ngơi. Đó là dấu hiệu của stress.
Sau đây là vài bước đơn giản giúp bạn giảm stress
1. Không dùng caffein
Chất kích thích này có mặt trong cà phê, trà đậm, chocolate, một số nước giải khát và vài bài thuốc cảm thức ăn kiêng, Caffein làm bạn tỉnh táo, tăng sự tập trung và tạm thời xua đi những nỗi buồn. Vì vậy nhiều người dùng đến nó để chống đỡ với sự căng thẳng. Tuy nhiên, stress và caffein tác động lẫn nhau. Nếu bạn không thể ngủ ngon được vì stress, caffein sẽ làm điều đó tệ hơn. Chất này còn gây ra những kích thích lên thần kinh, biểu hiện bằng những căng thẳng, dễ cáu gắt, có cảm giác hồi hộp, đi tiểu nhiều, nhức đầu, tim đập nhanh hoặc không đều, khó thở, đổ mồ hôi nhiều, ù tai, cảm giác châm chích ở đầu ngón tay và ngón chân.
Hãy dành vài tuần để từ bỏ cà phê. Lúc đầu, bạn sẽ gặp một số vấn đề như nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, dễ thay đổi tính khí. Để tránh những điều này, bạn có thể sử dụng vitamin C, trà nhạt, tránh những chất kích thích khác như đường tinh luyện, rượu.
2. Nghỉ ngơi và thư giãn
Làm việc căng thẳng và dè xẻn giấc ngủ là một sai lầm lớn. Ngủ ít không chỉ lấy đi khả năng chống đỡ của cơ thể mà còn làm trầm trọng thêm stress và những vấn đề về sức khoẻ khác. Hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn cố gắng làm xong việc giặt ủi vào ban đêm vì phải bận làm việc cả ngày; hoặc sẵn sàng đi đến câu lạc bộ thể thao ngay cả khi đang kiệt sức?
Những người mệt mỏi thường dễ bị kích thích và tỏ ra bất lịch sự hơn, khả năng lao động cũng như sự sáng suốt sẽ giảm, tai nạn giao thông cũng dễ xảy ra hơn. Bạn cũng dễ dàng sử dụng rượu và những chất kích thích khác để giảm bớt mệt mỏi, và việc không được nghỉ ngơi khiến bạn dễ bị bệnh thường xuyên hơn.
Làm thế nào bạn biết được rằng giấc ngủ của mình bị tước đoạt? Hãy trả lời: Bạn có thể ngủ vào bất kì lúc nào và ở đâu? Bạn sẽ ngủ ngay khi vừa đặt lưng xuống giường? Bạn cần một chiếc đồng hồ báo thức vào mỗi buổi sáng? Nếu trả lời đúng cho một câu hỏi trên nghĩa là bạn đã bị stress rồi đấy. Hãy ưu tiên cho giấc ngủ vì hầu hết chúng ta cần ngủ 8giờ/ngày. Xây dựng thói quen đi ngủ sớm bằng cách sẵn sàng xong mọi việc 1h trước khi đi ngủ, luôn dậy đúng giờ, tránh rượu, cà phê và tập thể dục mạnh trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên thư giãn hay dành ít phút cho giấc ngủ vào buổi trưa. Cơ thể bạn cần những phút giải lao cả về thể lực lẫn tinh thần. Thay vì phải làm việc trong sự mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi. Đừng tranh thủ làm việc vặt trong giờ ăn cũng đừng làm quá giờ nghỉ giải lao.
3. Tập thể thao
Cũng như giấc ngủ, tập thể thao rất cần thiết để tạo cho bạn sức khoẻ tốt và ít stress. Bên cạnh việc giảm cân, tập thể thao đều đặn giúp giảm những nguy cơ về bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư đại tràng và đột quỵ, giúp tăng tuổi thọ, giúp bệnh nhân bị đái tháo đường kiểm soát được bệnh của mình. Những hoạt động nghề nghiệp, kiểu tập mà bạn có trong lúc làm việc và động tác đi vòng trong nhà cho tác động không nhiều.
Hãy xem 30 phút tập thể thao/ ngày sẽ mang đến cho bạn những gì? Trước tiên, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, giảm được vài cân và khoẻ hơn. Cuối cùng stress sẽ dễ bị bạn kiểm soát. Các bài tập không chỉ giúp cho cơ bắp thư giãn mà trong lúc tập, bạn sẽ lưu ý đến nhịp thở của mình và điều đó có nghĩa là bạn đã quên đi những lo âu được một lát, ít nhất là trong lúc tập.
4. Đừng uống rượu
Nhiều người dùng rượu để giải sầu nhưng cách giải stress này lại có quá nhiều tác dụng phụ khiến bạn luôn có cảm giác khát, mất ngủ, đi tiểu nhiều.
Về lâu dài, việc nghiện rượu sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như xơ gan, tổn thương não bộ, viêm dạ dày, viêm tuỵ, bệnh thần kinh ngoại biên, và giảm sức đề kháng với bệnh tật. Uống rượu lâu năm có thể gây ra chứng bệnh cơ tim do rượu. Ngoài ra, người nghiện rượu còn gặp phải những vấn đề về suy dinh dưỡng vì rượu làm bạn ăn ít đi. Nó cũng gây những rối loạn về dạ dày, ruột và gan, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
5. Đi du lịch
Du lịch cho bạn một cơ hội thư giãn và giảm stress. Du lịch giảm được lượng calo. Thậm chí nếu là một chuyến đi vì công việc mà bạn phải dành nhiều thời gian hơn tại hội họp, hãy tập chung vào sự thật là bạn đang ở một đất nước hay một thành phố khác. Du lịch có thể căng thẳng, nhất là nếu chuyến đi của bạn có nhiều cuộc tham quan, những cuộc họp với nhiều ngôn ngữ hoặc nơi đến của bạn là một trung tâm ồn ào. Nhưng stress của du lịch là sự căng thẳng tích cực, không phải là loại lo lắng do công việc hay căng thẳng liên quan đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn giảm được stress thì bạn sẽ luôn khoẻ mạnh.
6. Giảm stress bằng chế độ dinh dưỡng
Thật tuyệt nếu nhe ngay cả lúc bận nhất, chúng ta vẫn có thể ăn như bình thường. Trên thực tế, mọi người thường có khuynh hướng bỏ ăn khi bận việc, khi buồn chán hoặc căng thẳng. Hãy xây dựng thói quen ăn đúng giờ, mang tâm trạng thoải mái vào bàn ăn, thưởng thức bữa ăn, từng hương vị của món ăn cùng những người thân yêu của bạn. Chú ý rằng khi cảm thấy no, bạn hãy ngừng ăn, ăn quá no cũng là một dạng stress đấy!
Dùng những thức ăn tốt cho sức khoẻ như trái cây, rau xanh, thịt cá. Tránh mỡ, chất ngọt và béo, nhất là vào đêm khuya. Dù chúng rất ngon có thể nghỉ ngơi trước ăn sẽ giúp rất nhiều cho việc tiêu hoá. Bên cạnh đó, cần xây dựng thói quen ăn đúng giờ, bạn nên lên kế hoạch cho cả một tuần về những thứ mình sẽ ăn cho bữa điểm tâm, bữa trưa và tối.
Cơ thể bạn có dễ dàng kiểm soát được hay không tuỳ thuộc vào việc bạn nuôi nó như thế nào. Nên nuôi dưỡng cơ thể bằng những thức ăn lành mạnh, lòng yêu thương con người, luyện tập thể thao rèn luyện thân thể và nghỉ ngơi.
stress có thể được loại bỏ dần nếu bạn biết cân bằng lịnh sinh hoạt, nhịp sống và quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Không nên ăn nhiều đường tinh chế, đồ ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn vì những thực phẩm này có thể làm bạn căng thẳng thêm.
Dưới đây là một số hướng dẫn trong việc lựa chọn thực phẩm có tác dụng phòng chống stress:
Thực phẩm có lợi
- Tinh bột: Gạo lứt, bột mì, bột ngũ cốc, yến mạch, lúa mì...chứa các chất dinh dưỡng rất quan trọng cho nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Chúng cung cấp magiê, kẽm, vitamin B, canxi, carbon-hydrat hỗn hợp và acid amino.
- Các loại hạt: Cung cấp thêm lượng acid béo cần thiết cho cơ thể, magiê, vitamin B, kẽm, selen, canxi, vitamin E.
- Gan: Là nguồn cung cấp dồi dào vitaminB, protein, chất sắt, kẽm, selen.
- Rau xanh: Giàu chất xơ, magiê, vitamin B, canxi.
- Cá và các loại tôm cua: Chứa kẽm, vitamin B, selen, acid béo, acid amino.
- Các sản phẩm từ bơ sữa ít béo: Vitamin B, kẽm, canxi.
- Quả mâm xôi: Chứa nhiều vitamin C, beta-carotene.
- Khoai tây: Cung cấp kali, vitamin C, acid amino.
- Chuối: Giàu magiê, vitamin B6, kali và serotonin.
- Quả bơ: Cung cấp vitamin B và E, acid amino tryptophan.
- Cam, quýt, kiwi: Nhiều loại vitamin C.
- Các loại đậu hạt: Nguồn cung cấp acid amino, vitamin B, canxi, magnesium, carbon-hydrat hỗn hợp.
Thực phẩm có hại
Đó là các loại thực phẩm có khả năng làm gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do hấp thu các năng lượng và chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể, hoặc sản sinh ra các hoóc môn gây stress, làm cho hệ thần kinh bị kích thích.
- Caffeine: Có trong trà, cà phê, chocolate và một số loại thức uống có ga. Caffeine hoạt động như một chất kích thích thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giải phóng các hoóc môn gây stress như adrenaline, cortisol...dẫn đến kết quả là hệ tiêu hoá hoạt động kém, huyết áp cao, nhịp tim tăng, cơ thể bị mệt mỏi kéo dài.
- Đường tinh chế và carbon-hydrat: Việc ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, bánh biscuit, đồ uống có đường...không chỉ làm tiêu huỷ hết các chất dinh dưỡng đang tồn tại mà còn tăng hàm lượng đường trong máu, tạo thêm áp lực cho gan, đồng thời phá vỡ sự cân bằng hàm lượng insulin trong cơ thể. Tất cả gây nên sự bất ổn định về mặt tâm lý, hay lo lắng, mệt mỏi.
- Thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn: Thường được thêm một số hoá chất có tác dụng bảo quản, nhiều đường và mỡ bão hoà nhưng lại ít chất dinh dưỡng cần thiết. Vì thế, chúng làm cho hệ thần kinh bị kích thích mạnh.
- Mỡ không bão hoà: Việc ăn nhiều thứ có hàm lượng mỡ không bão hoà cao như món rán, bánh nướng, fastfood, thịt và thực phẩm chế biến từ bơ sữa...sẽ gây khó khăn cho cơ thể trong việc tiêu hoá, hấp thụ các chất dinh dưỡng và carbon-hydrat.
- Alcohol: Các loại thức uống chứa cồn thường có tác dụng lợi tiểu nhưng lại nhanh chóng tiêu thụ hết các chất dinh dưỡng dự trữ đóng vai trò sống còn trong việc phòng chống stress như vitamin B, magiê và kẽm.
7. Xem lại quan điểm sống
Cách giải quyết stress còn tuỳ thuộc vào việc bạn nghĩ về nó như thế nào và ứng xử ra sao trước những tình huống mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Vài gợi ý sau đây sẽ giúp bạn:
- Đa dạng lịch trình làm việc hằng ngày: Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình cảm thấy mệt mỏi sau cả ngày làm việc? Cơ thể bạn cần làm cả việc trí óc và chân tay khi phải suy nghĩ mệt mỏi. Hãy thư giãn và làm một vài động tác nhẹ.
- Quan điểm sống: Bạn suy nghĩ gì về vận rủi? Bạn có hay làm việc nhỏ xé ra to không? Đừng cá nhân hóa mọi việc, hãy tự hỏi mình, liệu 20 năm nữa những việc này còn là vấn đề nữa không?
- Cười nhiều hơn và nói đùa đủ thôi nhé.
- Hãy khước từ những yêu cầu mà bạn thấy khó có thể làm được.
- Làm lần lượt từng việc và làm tốt từng việc ấy.
- Giải quyết những rắc rối và nhiệm vụ ngay lập tức, việc chờ đợi chỉ làm bạn thêm stress.
- Hãy chia sẻ những vấn đề của bạn với gia đình, bạn bè.
- Đơn giản hoá, đừng đặt nặng mọi vấn đề.