Lứa tuổi "teen" này không còn ngại ngùng khi nói đến vấn đề được coi là “tế nhị” nữa. Khi họ hiểu bản thân, họ sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ, bạn bè cùng lứa để có một cuộc sống vững vàng hơn. Dự án do Hội LH VN thực hiện đã đạt được kết quả như vậy.
Kết quả điều tra của Dự án với hơn 600 trẻ VTN cho thấy, khi được hỏi: Em biết về kinh nguyệt từ nguồn nào? đa số trẻ trả lời là từ mẹ. Nhưng sau khi tham gia CLB, được cung cấp kiến thức, thì câu trả lời của các em thay vì mẹ lại là CLB! Điều đáng quan tâm là người cung cấp và chia sẻ thông tin về tình dục của các em lại chính là nhóm bạn bè. Theo điều tra nhóm Dự án tại các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình và Thái Nguyên về nội dung thông tin tình dục, phần lớn trả lời nhận thông tìn từ bạn bè. Đáng lo lắng là thông tin từ bạn bè thường không chính xác do kinh nghiệm non nớt tự truyền cho nhau.
So sánh tỷ lệ VTN sinh hoạt CLB và VTN không sinh hoạt CLB sẽ thấy rõ sự khác biệt về hiểu biết và nhận thức kiến thức đơn giản như tuổi dậy thì. Sau khi sinh hoạt CLB, số VTN mạnh dạn hỏi chuyện mẹ về tuổi dậy thì nhiều gấp ba lần số VTN không tham gia CLB.
Theo bà Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội LH VN, Dự án đã thực hiện được 36 tháng tại sáu tỉnh, thành phố đạt hiệu quả cao về nhận thức của cả mẹ và con. Việc nâng cao sự gắn kết gia đình bằng cách tăng cường trao đổi một cách có ý nghĩa và cởi mở giữa VTN và cha mẹ về giới, tình dục và sức khỏe sinh sản đã khuyến khích thanh niên có những quyết định chín chắn về sức khỏe của chính mình.
Trúc Khuê