Vì vậy, trẻ cần được người lớn hướng dẫn để có sự quan sát phù hợp, nhằm ghi nhớ sự vật, hiện tượng tốt hơn, hiểu đúng bản chất và có khả năng phân tích, phán đoán, lý giải khi có những sự vật, hiện tượng tương tự hoặc có mối liên hệ nhất định với sự vật, hiện tượng đã biết. Điều này sẽ giúp trẻ sau này không bị thụ động trước các tình huống và dễ dàng giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Để giúp trẻ quan sát đạt kết quả tích cực, cha mẹ cần:
Trong hàng loạt chi tiết, có thể có nhiều “chủ đề” khác nhau với những nhóm chi tiết có liên hệ với nhau. Do đó, người biết quan sát thì sẽ không nhìn tất cả những chi tiết đó mà nhóm chúng vào những chủ đề theo sự quan tâm của mình, đồng thời loại bỏ những chi tiết không liên quan. Chẳng hạn, nhìn lên bầu trời đêm, sẽ có nhiều sao, mặt trăng và mây, thì có thể nhóm thành các chủ đề về sao (trong số hàng triệu ngôi sao cũng sẽ nhóm thành nhiều chòm sao theo hình dạng, theo độ sáng…), về mặt trăng (như câu “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, về độ tròn, về vị trí của mặt trăng…), về mây (mây nhiều hay ít, trôi nhanh hay chậm, màu đậm nhạt của mây…)…
Tìm ra sự liên hệ của các chi tiết là một kỹ năng quan trọng của mỗi người để có thể phân tích, phán đoán đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Do đó, với một đứa trẻ, cần chỉ cho chúng biết sự liên hệ theo sự gần gũi không gian, theo tính đồng dạng, theo môi trường tồn tại, theo quan hệ nhân – quả, các tác động qua lại… Chẳng hạn, khi quan sát một khu vườn, bạn cần hướng dẫn trẻ xem xét các loại cây trong vườn, tại sao là những loại cây này mà không phải là những loại cây khác, kích thước của các loài cây, sự tồn tại của các loài dây leo, các loại động vật… Trong chủ đề lớn đó có thể chia nhỏ thành các “chủ đề” con, như tìm hiểu về các loài dây leo, về các loại cỏ, về các loài côn trùng… để rút ra điểm chung về loài này.
Sau khi hướng dẫn, thì việc hỏi lại vừa gợi mở vừa ôn tập lại những điều trẻ đã học giúp tạo điều kiện cho trẻ thấy việc quan sát, tìm hiểu là việc thực sự có ích và là một cách học tập chủ động, không bị gò ép, có sự trao đổi thông tin hai chiều. Ví dụ, sau khi tìm hiểu về khu vườn, ta có thể hỏi trẻ “tại sao cây dây leo luôn bám lên thân các cây lớn khác?”, “tại sao thân của dây leo thường nhỏ?”, “tại sao trong vườn thường có kiến vàng? Chúng có ích gì không?”…
Bất cứ hình thức học tập nào cũng cần rèn luyện thường xuyên. Người lớn cần kiểm tra sự tiến bộ của trẻ cũng như kịp thời định hướng, uốn nắn những biểu hiện chưa tốt. Đây cũng là cách mà người lớn tự rèn luyện, tự kiểm tra mình một cách tích cực.
Nguyễn Minh Hải