Là bậc làm cha làm mẹ, tôi cũng từng lâm vào trường hợp như anh. Lần ấy, cách đây mấy năm, tôi được lãnh một khoản tiền thưởng của cơ quan. Nhà chỉ có ba người: tôi, chồng tôi và đứa con trai 14 tuổi nên tôi chẳng có gì phải lo, đi làm về cứ bỏ đại cọc tiền trên đầu tủ lạnh. Ngày hôm sau, chồng tôi đi làm và con tôi đi học sớm, tôi thì được nghỉ làm nên dậy hơi trễ. Kiểm lại tiền để bỏ vào tủ, tôi thấy mất 500 ngàn. Tôi giận lắm và nghĩ ngay rằng con mình lấy. Đến chiều, con tôi đi học về, trên tay cầm một hộp đồ chơi mà cu cậu rất thích. Món đồ chơi này con đòi tôi mua từ rất lâu nhưng tôi chưa đồng ý. Thấy món đồ chơi, tôi nghĩ con đã lấy trộm tiền. Ngay lập tức, tôi la mắng con xối xả. Nghe mẹ nói mình lấy tiền để mua đồ chơi, con tôi khăng khăng phản đối, bảo rằng đó là tiền cháu dành dụm mấy tháng nay. Tuy nhiên, tôi không tin, cho là con bịa chuyện và buông những lời nặng nề với cháu. Uất ức, con tôi xách xe đạp đi mất.
Đến tối, khi chồng tôi về nhà, mọi chuyện mới vỡ lở. Thì ra, sáng nay chồng tôi cần tiền gấp nên lấy 500 ngàn để dùng. Lúc ấy, anh thấy tôi đang ngủ ngon nên không nói. Nghĩ lại cảnh mình la mắng con thậm tệ, tôi ân hận hết sức. Tôi lấy xe chạy vòng vòng sang nhà mấy đứa bạn thân của con để tìm, nhưng không thấy cháu đâu. Chẳng biết làm sao, tôi đành quay về nhà ngồi đợi trong cảm giác vừa lo lắng cho con, vừa bứt rứt, ân hận…
Đến khuya, con tôi về nhà, mặt lầm lầm lì lì, bỏ lên phòng riêng. Cố gắng vượt qua cảm giác ngại ngùng, tôi lên phòng trò chuyện với con một cách thẳng thắn. Tôi xác định tôi là người có lỗi trong câu chuyện chiều nay. Tôi đã quá nóng giận và thiếu lòng tin với con. Tôi xin lỗi và hứa lần sau sẽ tìm hiểu kỹ mọi chuyện trước khi kết luận. Nghe tôi xin lỗi thẳng thắn, con tôi có vẻ nguôi nguôi và đến hôm sau thì quan hệ giữa tôi và cháu trở lại bình thường.
Sau chuyện này, tôi rút ra được kinh nghiệm trong việc nên hay không nên xin lỗi con. Nếu cha mẹ làm sai, cứ xin lỗi một cách thẳng thắn và chân thành, việc này chỉ có lợi chứ không có hại. Cái lợi thứ nhất là khi cha mẹ xin lỗi, đứa con sẽ được xoa dịu cảm giác ấm ức, cảm giác bị hàm oan. Đặc biệt là khi còn nhỏ, còn nông nổi, nếu bị hàm oan, đứa trẻ rất có thể sẽ làm nhiều điều dại dột. Đã không ít trường hợp trẻ em bỏ nhà ra đi, tự tử chỉ vì bị cha mẹ la mắng oan ức. Cái lợi thứ hai là sau khi xin lỗi con, cha mẹ sẽ nhẹ lòng vô cùng. Tôi chắc rằng nếu không xin lỗi thì đến vài tháng, thậm chí là vài năm sau, nhớ đến chuyện cũ, anh Nguyễn Khang chắc chắn sẽ vẫn còn day dứt, ân hận.
Ngoài ra, khi xin lỗi con, cha mẹ chẳng hề bị mất uy, mất vị thế như nhiều người lầm tưởng. Cha mẹ dũng cảm nhận sai, con cái sẽ tôn trọng, kính nể và gần gũi với cha mẹ của mình hơn. Nếu làm sai mà cứ im im không nhận, con cái rất có thể sẽ coi thường cha mẹ. Nhiều khi, chỉ một lần làm sai, cha mẹ đã để lại trong lòng con mình một vết sẹo khó phai. Anh Nguyễn Khang cứ thử nghĩ, nếu anh không xin lỗi, biết đến khi nào con anh mới quên được cái tát của anh ngày hôm đó?
Một điều quan trọng nữa là, chỉ khi cha mẹ biết nhận lỗi và biết xin lỗi thì mới có thể làm gương để dạy con biết nhận lỗi và biết xin lỗi những khi con phạm sai lầm.
Trên đây là vài lời góp ý mạo muội từ kinh nghiệm bản thân của tôi… Mong anh Khang sớm xin lỗi con gái để hàn gắn quan hệ cha con. Chúc anh luôn là người cha tốt!
Ngọc Thủy
>>