Mẹ và bé - Giúp con thích nghi với hoàn cảnh

- Chị H. đã ngoài năm mươi tuổi, là một cô giáo giàu kinh nghiệm và được học trò yêu quý. Nhưng chị đã khóc hết nước mắt khi nhận thấy rằng, đứa con trai út lại đang phủ nhận những gì chị làm cho nó.

Đang học lớp 12, con trai chị muốn tự chọn mua quần áo cho mình, muốn tự đi xe máy đến trường, muốn dùng keo xịt tóc để giống diễn viên Hàn Quốc… Chị sợ con mình đua đòi ăn diện, ảnh hưởng chuyện học hành.

Chị muốn con nghĩ rằng gia đình mình nghèo khó để cố gắng chăm lo học tập. Chị cố để chiếc xe thật “cà tàng” khi đưa đón con. Nó “ra lệnh” mẹ chỉ được đậu cách cổng trường một trăm mét: “Thà đi bộ còn hơn để bạn bè thấy con ngồi sau xe mẹ”. Chị thay bộ áo dài, mặc bộ đồ rất lỗi mốt và thậm chí đã sờn, chị muốn con mình nghĩ mình là người giản dị.

Vào quán ăn cơm trưa, chị gọi cho con một đĩa cơm sườn, còn chị ăn cơm trắng với nước tương. Chị muốn con mình nghĩ, chị đang thắt lưng buộc bụng, đang nhịn từng bữa ăn để lo cho nó học hành.

Chị tưởng khi mình là người mẹ hy sinh vất vả, con sẽ thương mình hơn. Chị nghĩ con mình sẽ biết được tấm lòng cao cả của mẹ, nó sẽ là đứa biết đền ơn và trách nhiệm. Nhưng chị đâu biết rằng, con sẽ ngoan, sẽ chăm học hơn, sẽ cảm thấy mình cần cố gắng, khi nó tự hào về mẹ.

Nếu thực sự hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái sẽ là người cảm nhận được đầu tiên. Hãy dạy con biết hoàn cảnh của mình, chúng sẽ phải thích nghi với môi trường, với điều kiện sống. Chúng sẽ phải tự vươn lên để vượt qua số phận. Sự hy sinh là hoàn toàn tự nguyện, là bản năng làm mẹ của mình. Khi người mẹ đang cố chứng minh sự nghèo khổ, khó khăn và đang muốn cố cho con thấy mình vất vả, trẻ sẽ có cảm giác bị dối lừa, bị đối phó. Trẻ không ngẩng cao đầu và không thể tự hào với hình ảnh mẹ mình. Mẹ không cần phải đẹp, phải giàu sang, nhưng mẹ phải là hình ảnh mà trẻ luôn mong muốn.

Ngược lại, nhiều người không muốn con biết hoàn cảnh thật của gia đình, không muốn con phải lo toan và vất vả. Họ không thực dư giả, nhưng luôn cố gắng để con mình không thua kém bạn bè. Họ chấp nhận thiệt thòi, để dành hết cho con cuộc sống vật chất đầy đủ. Những đứa trẻ được nuông chiều như thế, thường có thói quen đua đòi, “con nhà lính tính nhà quan”. Điều này dễ hình thành tính ích kỷ và không quan tâm người khác ở con cái. Và khi bố mẹ thấy con hư, lại cuống lên và giận dữ. Rồi họ lại thất vọng, rồi bắt con phải hiểu mình, phải chia sẻ cùng người khác. Trong trường hợp này, những đứa trẻ không biết sẽ bắt đầu từ đâu.

Có những gia đình giàu có nhưng sợ con hư, nên trước mặt con luôn “vờ” làm người nghèo khó. Họ mong muốn con mình sẽ chắt chiu, tiết kiệm. Họ không cho con biết sử dụng những đồng tiền. Nếu không dạy cho con cách sử dụng, quản lý tài sản, chúng không duy trì và phát triển được gia sản do cha ông để lại. Rất nhiều gia đình, nhiều đời kinh doanh truyền thống, nhưng đến khi đặt vào tay của con, khối tài sản “bốc hơi” trong chốc lát. Không nên sợ con biết nhà mình có điều kiện, hãy mạnh dạn cho con mình biết tài sản ở đâu mà có. Những gì cha mẹ đã làm ra là mồ hôi nước mắt, là công lao dành dụm. Hãy cho con biết vai trò quan trọng của mình, là giữ gìn và phát triển.

Đừng bắt con phải đắm chìm trong thiếu thốn và khó khăn giả tạo. Nhiều bố mẹ ngày xưa sống trong khổ cực, nay có điều kiện vẫn muốn con sống như họ thời ấy. Họ muốn con có những trải nghiệm và muốn nhờ đó để con mình vươn lên. Nhưng điều này rất khó thực hiện. Bắt trẻ nghĩ gia đình mình nghèo khó không đúng với thực tế, có thể là tác dụng ngược đối với con. Trẻ sẽ tự ti, ác cảm với sự thiếu thốn của mình. Trẻ oán trách vì sự “hẹp hòi” của cha mẹ, không muốn vươn lên.

Trẻ cần được nhen nhóm và khích lệ sự cố gắng vươn lên. Trẻ cần thấy gia đình luôn là điểm tựa. Bố mẹ yêu thương và hy sinh đúng mực, đừng bao giờ cố bắt trẻ phải ghi nhận hy sinh của cha mẹ. Hãy cho trẻ được tự hào về gia đình mình, tự hào về những người cha, người mẹ. Sống trong hoàn cảnh thật của gia đình, trẻ sẽ tự tin hơn.

Minh Huệ (Chuyên viên tư vấn tâm lý)

 


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1533 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm