AVS -"Sốt" du học từ trong bụng mẹ

Nuôi con thành những “siêu nhân” đội vòng nguyệt quế du học từ lúc còn trong bụng mẹ đang trở thành một xu hướng phổ biến của nhiều gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.
Lời tòa soạn: Trên một diễn đàn nổi tiếng về trẻ thơ của Việt Nam lưu truyền câu chuyện về một gia đình đã mừng phát khóc khi đứa con 14 tuổi của họ được nhận vào học một trường ở Singapore. Trong cơn phấn khích, ông bà cậu học sinh đã thốt lên: “Cháu tôi đã được làm người rồi”. 14 tuổi, ba lô nẵng trĩu vai bước vào cánh cổng của một trường phổ thông danh tiếng nước ngoài, em học sinh này đã trải qua một quá trình “khổ luyện” đầy gian khó với sự góp sức bền bỉ của ông bà, bố mẹ và cả họ hàng.
Ô tô chen chúc đưa bé đến trường, mang theo bao ước mơ của bố mẹ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)


Thế nào... con cũng sẽ đi Tây

Trong thang máy của một khu chung cư ở Mỹ Đình (Hà Nội), cậu nhóc mới chỉ học lớp 2 khá nhanh nhẹn, chỉ tay từ bảng quảng cáo, cho đến những hình vẽ, con số in trên các bảng. Người mẹ đang cặn kẽ giải thích và đặt câu hỏi với con, tất cả đều bằng tiếng Anh, thậm chí có lúc là tiếng Pháp.

Một người hàng xóm đi cùng thản nhiên: "Người Việt cả đấy, nhưng thằng bé ấy nó học trường quốc tế".

Ở khu chung cư này, rất nhiều gia đình có ô tô. Và cũng rất nhiều đứa trẻ ở đây, hàng ngày đến những ngôi trường “quốc tế”, hoặc nhẹ nhàng hơn là những trường dân lập có lớp tăng cường ngoại ngữ, có các chương trình liên kết, liên thông với nước ngoài với mức học phí cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Bà Nguyện ở cùng khu, hàng ngày thường đẩy xe đưa đứa cháu trai mới 2 tuổi đi dạo khắp các trường mầm non, tiểu học quanh đó.

Bà đã quá quen với cảnh cả đoạn đường bị tắc nghẽn vì ô tô chen chúc đưa các bé đến trường. Bà Nguyện nói: Tôi đang khuyên bố mẹ nó cố tìm cái học bổng đi làm tiến sĩ ở nước ngoài để thằng bé có cơ hội đi theo, hưởng thụ nền giáo dục ở Tây  từ khi còn nhỏ.

Không có gì ngạc nhiên về chuyện này, bởi nhiều bà mẹ đã viết trên các diễn đàn niềm mong ước cho con được đi du học ngay từ khi chúng còn… trong bụng mẹ. Có mẹ thì cuống quýt "con đã học lớp 6 mà vẫn chưa “định hướng” gì thì liệu có muộn không". Lại có bà mẹ mà con mới chỉ tuổi rưỡi nhưng ngày nào cũng mong chờ đọc những bài viết của các bà mẹ khác để học hỏi kinh nghiệm.

Nhiều đứa trẻ được bố mẹ mong cho đi du học từ khi còn nhỏ.
(Ảnh chỉ có tính minh họa)

Nghệ thuật “bơm” con

Có một bà mẹ đã viết trên diễn đàn webtretho đại ý rằng: phải định hướng, phải “bơm” vào đầu bọn trẻ mong muốn đi du học từ nhỏ, biến ước mơ của mẹ thành ước mơ của con, để trẻ ngày đêm nung nấu, phấn đấu đi du học.

Mong ước cho con đi du học từ khi còn nhỏ, chị Hà (Mai Dịch) quan niệm: Tôi nghĩ quan trọng là làm thế nào để con mình thấy thích, nếu thích thì nó sẽ cố gắng, chứ không thể ép được.

Ngoài việc mua sách vở, đầu tư cho con học hành, chị Hà còn có “tuyệt chiêu” khác. Hàng ngày, chị đều cố  “bơm” vào đầu Tiến, cậu con trai đang học lớp 6 những câu chuyện thành đạt của các lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Chị phân tích cặn kẽ cho con điểm đặc biệt của từng người khiến họ xin được học bổng, thậm chí xây dựng thành những thần tượng cho con mình.

Khi đi học ở Pháp, chị Hà cùng bạn bè rong chơi qua khá nhiều quốc gia. Thêm vào đó, chị tìm hiểu, sưu tầm các câu chuyện về văn hóa, lịch sử… các nước trên báo chí và qua bạn bè. Với vốn sống đó, hầu như bữa cơm nào, Tiến cũng được nghe mẹ kể chuyện ở Tây, đặc biệt là về các món ăn, phong cảnh…

“Để nó thấy mơ ước được đặt chân đến những nơi đó” – chị Hà phấn khích.

Những câu chuyện kể của Tiến về việc học tập, bạn bè, vui chơi…, chị cũng dễ dàng liên hệ: “ở Tây thì…”.

Anh Minh, chuyên viên một Bộ, có con trai được học bổng ngành tài chính ở Anh cho rằng: cha mẹ phải luôn luôn “cập nhật” để định hướng đúng cho con.

"Nhiều HS ở mình rất thông minh nhưng lại không thể hiện được hết khả năng vì thiếu định hướng” – anh giải thích.

Anh đã cặm cụi học tiếng Anh từ khi Kiên – con trai anh mới học ở trường tiểu học Trưng Vương để dễ dàng theo dõi các nguồn thông tin học bổng, để trò chuyện và theo dõi xem con có phát âm chuẩn hay không.

Khác với nhiều nhà, anh Minh cho con  xem khá nhiều trận đấu của giải bóng đá ngoại hạng Anh, từ đó nuôi dưỡng cho cậu bé niềm yêu thích xứ sở sương mù này, cũng như môn học tiếng Anh.

Xa nhà càng sớm… càng tốt

Nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng chi cả chục triệu mỗi tháng cho con học tập theo "chuẩn quốc tế" để có cơ hội đi du học. 
(Ảnh chỉ có tính minh họa)


Theo anh Minh, muốn định hướng được con, phải đặt ra mục tiêu như: du học có học bổng, du học ở đâu? ngành gì?... rồi lên kế hoạch để giúp con thực hiện càng sớm, càng chi tiết càng tốt.

Tự coi là thành công với cậu con trai, song anh Minh cho biết, cô con gái tên Thu, đang học lớp 4 sẽ có kế hoạch hoàn hảo hơn cậu anh, vì được bố mẹ định hướng từ khi mới bước chân vào lớp 1.

Có một cái “mốt” khá lạ là rất nhiều gia đình định hướng cho con đi du học ngay từ nhỏ, thậm chí là từ cấp… 2, với quan niệm: đi càng sớm… càng tốt, tìm học bổng khi càng nhỏ tuổi thì càng dễ.

Chị Hiền – công chức một cơ quan lớn ở Hà Nội thường xuyên dành thời gian ở cơ quan để vào internet đọc các thông tin về du học, các loại học bổng. Con trai mới đang học lớp 7, gia đình chị đã định hướng cho con đi du học.

Chị muốn con đi học ở châu Âu. Nhưng nếu muốn đi ngay từ cấp 3 thì hầu như chỉ có các học bổng của Singapore. Sau khi nghiên cứu, chị thấy rằng học cấp 3 ở Singapore là tiền đề rất tốt để con dễ dàng xin học bổng ở châu Âu khi lên đại học.

Vì thế, chị lên một danh sách các trường học ở Hà Nội hay được nhận nguồn học bổng của các trường học ở Singapore như trường Raffles, trường nam sinh Joephs, trường NJC…, và thuộc vanh vách yêu cầu, thời điểm phỏng vấn… của các trường.

“Cho con học ở trường điểm, bọn trẻ đều có định hướng đi du học nước ngoài thì nó mới cố gắng” - chị quan niệm.

Với sự định hướng của mẹ, sau khi học đối phó các môn khác xong, cậu con trai tên Vũ quay ra học tiếng Anh và làm toán tiếng Anh dưới sự kèm cặp của bố.

Đương nhiên, dù ông bố dù từng là học sinh giỏi toán, mà muốn dạy được Vũ, cũng phải mất thời gian nghiên cứu thêm các sách Toán, sách luyện IQ đặt mua từ Singapore, Úc… và từ điển toán Anh - Việt…

Còn anh Minh thì kể kinh nghiệm: “Tham khảo các học bổng, tôi thấy người ta ra đề thi không khó lắm, mà cái chính là khả năng tiếng Anh và các kĩ năng trả lời phỏng vấn. Do đó, không cần phải học chuyên để cắm đầu vào chạy đua tìm cách giải hết các dạng bài…” – anh Minh nói.

“Nhiều người tích lũy tiền để mua nhà, sắm này sắm kia, du lịch đây đó… nhưng mình đổ hết đầu tư cho con. Bây giờ, có gặp bạn bè, cái hãnh diện không phải là sành điệu này nọ mà là con cái học hành thế nào, đầu tư cho học hành của con cái mới là cái lâu dài” – anh Minh tự hào.
Phụ huynh, họ là ai?
Tại chốn giao lưu trên mạng, các mẹ hàng ngày bền bỉ trao đổi phương pháp, tài liệu luyện IQ để con thông minh hơn, truyền nhau những địa chỉ dạy tiếng Anh, dạy Toán tiếng Anh nổi tiếng, những mẹo để “định hướng” cho con tìm cách thực hiện ước mơ tìm kiếm học bổng đi du học từ khi còn nhỏ…

Đủ cả người giàu, người khá giả, hay người chỉ đủ chi tiêu… Nhưng đa số họ là những ông bố, bà mẹ có tri thức, được đi đây đi đó nhiều… và sùng bái  môi trường giáo dục ở nước ngoài.
Phần 2: Vắt sức đẩy con lên tàu du học

Theo afamily.vn


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1283 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm