Mọi người nói nhà tôi như có ba cây chông, coi như đã gãy hai, còn một thì cong cong quẹo quẹo. Nói cách nào đó, tôi là người cha thất bại trong việc dạy con.
Tôi có một tuổi thơ lẻ loi trong hoàn cảnh bố mẹ ly thân. Lớn lên bằng nghị lực, tôi học đủ thứ, không ai dạy dỗ, kèm cặp nhưng tự thân ý thức được việc tốt để theo, việc xấu để tránh, gần cuối đời cũng có chút danh thơm. Tôi nghĩ con mình cũng sẽ như thế, thậm chí còn may mắn hơn vì chúng có cha.
Mấy chục năm nay, một mình tôi cáng đáng việc kiếm tiền nuôi gia đình. Mọi chuyện dạy dỗ con cái chỉ trông chờ vào mẹ nó. Nhưng vợ tôi vin vào cớ: “Một tiếng cha bằng ba tiếng mẹ” nên chuyện gì của con cũng chờ tôi về để “méc”.
Vì chạy ăn cho cả nhà, hầu như suốt ngày tôi ở ngoài đường, khi trở về chỉ muốn nghỉ ngơi. Con cái thì gặp đứa nào nhắc đứa đó. Chủ yếu nhắc con những chuyện nên làm, những điều nên tránh. Hy vọng mình nói ít, con hiểu nhiều, hoặc con chưa hiểu, thì mẹ sẽ nhắc lại theo kiểu mưa dầm thấm sâu.
Đàn ông vốn ít nói. Mà có nói, cũng chỉ ngắn gọn như: thương cha, thương mẹ, thương bản thân thì đừng làm điều xấu; muốn thành người tốt thì phải học, học gì cũng được nhưng phải học đàng hoàng, học có bài bản, hễ chịu học thì tốn bao nhiêu tiền ba cũng cố… chạy. Tâm huyết cả đời làm cha tôi dồn hết vô mấy câu và cố gắng nói gì làm đó. Coi như một cách dạy con.
Biết thằng lớn có khiếu về trang trí, tôi gợi ý con đi học ở trường dạy nghề cho có cái bằng. Thấy nó ghi tên đi học, tưởng con nghe lời, tôi mừng vô hạn. Tháng sau, nghe tin con theo bạn, bỏ học. Tôi nghĩ: “Thôi, nó lớn rồi, đời nó tự nó quyết. Muốn con nên người mà con không nghe thì ráng chịu”. Tôi lấy thất bại của thằng lớn để răn thằng thứ hai, nhắc con phải nhìn lại hoàn cảnh nhà mình trong các mối quan hệ, đừng đua đòi với bạn bè con nhà giàu… Con gật đầu, tưởng con hiểu ra, tưởng vợ rút kinh nghiệm từ thằng con lớn. Ai dè, nó trở thành con nghiện.
Ông bà nói con hư tại mẹ. Ở hoàn cảnh mình, tôi cũng từng nghĩ như vậy, nhưng khi thấy hai con không thành người, thấy mình quá thờ ơ, mới hiểu lỗi này của mẹ chỉ đúng một phần, phần còn lại phải thuộc về cha.
Sự chủ quan bao giờ cũng trả giá. Cái giá mà tôi đã trả cho sự chủ quan trong dạy dỗ con quá lớn. Giờ còn thằng út, đã 18 tuổi. Không muốn nó có kết quả như hai anh, nên tôi dồn tâm lực dạy con nên người. Biết đã trễ, nhưng tôi cũng hiểu “không sự bắt đầu nào là vô ích”.
“Gần gũi con là cách dạy con dễ nhất, hiệu quả nhất”
Thằng út cũng nghỉ học ngang xương như hai anh. Rút kinh nghiệm từ hai con lớn, với thằng út, tôi dùng chiêu dạy con theo kiểu… sai vặt. Khi thì nhờ nó chạy đi mua giùm thứ này thứ kia. Khi thì nhờ chở cha đi chỗ này chỗ nọ. Làm cho tôi, đi chung với tôi, thời gian cha con gần nhau nhiều hơn, tôi mới biết con mình tính tình thực sự ra sao, nó mơ ước gì. Thấy con muốn trở thành nhà quay phim, tôi gợi ý con đi học. Con thấy tôi quan tâm cũng hăng hái ghi danh. Nhưng nghĩ lại, thân hình nó ốm yếu tong teo, vác máy chạy không nổi, tôi lại bàn với con học nghề dựng phim. Thấy tôi lo lắng, con tôi có vẻ cảm động. Học hai ba khóa dựng phim, con lại cảm giác mình có khiếu nhiếp ảnh và say mê nhiếp ảnh thực sự. Cháu mạnh dạn trao đổi với tôi. Nhiếp ảnh là nghề học khá tốn tiền. Tôi vốn dị ứng với chữ tiền, nên nghe con đề cập chuyện liên quan đến tiền, tôi nổi da gà. Nhưng để tôn trọng và động viên con, tôi đồng ý rất hăng hái. Thậm chí, tôi còn trở thành bạn học chung khóa nhiếp ảnh với con để dễ bề… trao đổi nghiệp vụ.
Bây giờ, đi đâu người ta cũng thấy tôi cùng con. Hoặc nhìn thấy con tôi ở đâu là người ta biết chắc tôi đang quanh quẩn đâu đó. Tôi nhận ra rằng, chỉ khi đi chung, con tôi mới tự hào thực sự về cha. Lòng tự hào đó đã giúp cháu điều chỉnh mình. Gần gũi con là cách dạy con dễ nhất, hiệu quả nhất, vậy mà đến khi bạc đầu tôi mới nhận ra.
Theo afamily.vn