Đi bế giảng năm học về, chị Mai thấy con gái buồn buồn. Đoán chắc con buồn vì xa thầy, xa bạn, rồi mộng mơ tuổi học trò, chị cũng mặc kệ...
Sáng con ngủ dậy, chị thấy đôi mắt con sưng phồng, dáng vẻ mệt mỏi, không tập trung vào việc gì khác. Nghỉ hè rồi, chị cho con đi học bơi, nó cũng chả thiết. Mấy anh chị em họ rủ nhau đi siêu thị, lên khu vui chơi ở tầng 5 Vincom, nó cũng chả hòa hứng.
Đến tối, ăn cơm xong, con lại về phòng sớm, không ngồi tám chuyện với cả nhà. Thiếu con bé kể chuyện cũng mất vui đấy. Len lén theo con, chị thấy con thở dài, mắt nhìn xa xăm, cắm cúi ghi chép vào cuốn sổ đẹp lắm. Đứng lên, ngồi xuống, rồi lại tít... tít... tin nhắn với cái điện thoại. Chắc là con bé buồn lắm.
Nhưng mấy ngày rồi, con bé vẫn lầm lỳ không nói. Mọi khi đi về, líu lo kể chuyện trường lớp, bạn này, bạn kia. Thế mà giờ cơm không chịu ăn, nét mặt ủ dột. Đang dọn dẹp ở dưới bếp, chị nghe con gái rơm rớm nước mắt, thút thít với đứa bạn: “Tao chia tay với Hưng rồi”. Thôi, thế là con thất tình rồi.
Nhưng bố mẹ đã bao giờ thử tự hỏi lại mình chưa? Mình yêu/thích người ấy từ năm bao nhiêu tuổi? Có vất vả khổ sở như thế nào? Ông bà đã cấm đoán ra sao để thông cảm với các con hiện tại. Chị Mai đã không làm như cách của các bố mẹ khác hay làm.
Học tập kinh nghiệm của mẹ Mai
Nghe xong câu chuyện, chị Mai cũng bật cười trong lòng vì lý do chia tay cực kỳ “chính đáng” kia. Chẳng biết bằng cách nào, mấy hôm sau đã thấy con gái vui cười trở lại. Mẹ Mai đã bật mý kinh nghiệm của mình với aFamily
Không một cha mẹ nào muốn con đau buồn hay khổ sở vì bất cứ điều gì, nhất là vì tình yêu học trò. Hãy kìm nén sự tức giận và thất vọng vì con để lắng nghe con tâm sự, đưa ra cho con những lời khuyên cực kỳ hữu ích.
Hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tan vỡ của con một cách khéo léo, có thể qua người bạn thân của con, rồi lựa theo đó để khuyên giải con. Ví dụ: “Có thể con và bạn ấy chưa hợp nhau. Hai đứa còn bé quá, chưa làm nên chuyện gì đâu. Ngày xưa, bố và mẹ cũng giận nhau bao nhiêu lần, yêu rồi lại chia tay, cuối cùng vẫn lấy nhau đấy thôi...”.
Hãy để con khóc nhè thỏa thích, đừng ngăn cấm cảm xúc của con. Có thể dẫn con đi xem phim, mua sắm, đi ăn vặt để tạm giải tỏa nỗi buồn... Những cách đó giúp con hiểu rằng cuộc sống có cực nhiều điều thú vị, có nhiều người quan tâm đến con, con chẳng phải buồn vì một người đâu đâu. Đôi lúc AQ hơn, mẹ cũng có thể khuyên con: “Sau này con sẽ tìm được người khác tốt hơn”.
Khi con thất tình, con cần bố mẹ chia sẻ hơn bao giờ hết. Mẹ nên tế nhị, khéo léo để hiểu con. Hãy chứng tỏ mẹ là người hiểu biết và tâm lý. Qua được lần này, chắc chắn con sẽ rất tin tưởng bạn và sẽ tâm sự với bạn tất cả mọi chuyện của con. Nuôi dạy một đứa con khôn lớn, còn gì hạnh phúc hơn khi con hoàn toàn có thể tin tưởng và chia sẻ với mẹ nào?
Bảo Châu
(Tổng hợp)
Theo afamily.vn