Nhà chị Hoa có hai con trai. Bé lớn học lớp 1, bé út học mới 4 tuổi. Bé nhỏ rất quý anh, thích chơi với anh, nhưng anh lại cộc cằn, ghét em và rất hay đánh em một cách thô bạo.
Anh thường đánh em bằng những lý do nhỏ nhặt, chẳng đâu vào đâu như: ngồi cạnh anh lúc anh không thích, cả nhà đang xem tivi mà em cứ nói chuyện với mẹ nhiều. Còn những khi em động đến sách vở, đồ chơi của anh, hay mẹ chia cho em phần hơn, chuyện đánh em khỏi phải nói.
Anh đánh em rất mạnh, thường thì đấm đá, thúc khuỷu tay vào bụng, vào ngực em. Cấu véo, giật tóc hoặc tát em. Nếu không, anh vẫn có cái giọng trịch thượng cậy mình lớn hơn: “Nào cái thằng này, lui ra không tao tát cho bây giờ”. Ngược lại, dù bị anh đánh nhưng em rất thích chơi với anh. Anh đánh xong, em cũng chẳng “thù hận” gì anh, lại thích ra nói chuyện hoặc chia bim bim cho anh.
Các nhà tâm lý học đã cho biết rằng, có một sự ghen tị, cảm giác “ra rìa” bị bỏ rơi của trẻ con khi chúng có em. Tâm trạng đó rất tự nhiên và nhạy cảm với những trẻ làm anh/chị mà bố mẹ đôi khi không nhận ra được.
Trong trường hợp bé lớn hay đánh em, chẳng vì lý do gì, bố mẹ hãy xem lại cách đối xử giữa hai con: có nhất bên trọng, nhất bên khinh hay không, có ưu tiên cho bên nào hơn không.
Thông thường, các mẹ vẫn quan tâm đến em nhiều hơn vì em còn nhỏ. Khi anh/chị đánh mắng hoặc không chơi với em, lập tức sẽ bị bố mẹ đánh mắng. Không phải cố ý, nhưng điều đó có khi lại làm cho khoảng cách giữa các anh chị em trong gia đình ngày càng tăng lên.
Cách tốt nhất, bố mẹ hãy quan tâm đến anh/chị lớn hơn, chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm phạt và mắng bé. Một số trường hợp, các bé em hay được chiều hơn, nhõng nhẽo nên cũng bắt nạt anh. Cha mẹ nghe thế lại mắng: “Làm anh phải biết nhường chứ”.
Sự quan tâm và đối xử công bằng của cha mẹ sẽ khiến các bé lớn thấy rằng bố mẹ đều gần gũi và chăm sóc các con như nhau. Mặt khác, đây cũng là cách thức hữu hiệu để ngăn chặn việc đánh em. Vì khi có sự hiện diện của người lớn, trẻ lớn muốn đánh em một cách thô bạo, bạo lực cũng phải nhẫn nhịn hơn.
Nếu như em bé ngoan và anh/chị hay đánh em một cách vô cớ, bố mẹ hãy gọi và nói chuyện trực tiếp với bé lớn. Cuộc trao đổi bao gồm những nguyên tắc cần có trong gia đình: anh em phải yêu thương nhau, nếu anh/chị hoặc em vi phạm, đều bị phạt. Việc đưa ra những hình thức cụ thể khiến cho bé lớn hiểu được những mong đợi rõ ràng của bố mẹ.
Theo afamily.vn