“Một với một là hai, hai thêm hai là bốn, bốn với một là năm…” học toán đâu nhất thiết phải bắt bé làm bạn với những con số khô khan? Các trò chơi sẽ khiến bé hứng thú hơn.
Đang ở độ tuổi tập đi, bé Duy Anh đang rất háo hức tập luyện các kỹ năng mới và phân biệt các đồ vật, để khuyến khích bé chơi, mẹ Duy Anh đã tìm cách cho con chơi các trò chơi nhẹ nhàng mà vẫn học được rất nhiều điều.
Ở độ tuổi này, bạn không thể bắt con học các phép toán theo cách thông thường mà nên khéo léo đan xen vào các trò chơi để trẻ hình thành tư duy toán học. Vì bé đã biết nhận biết nhiều, ít, tròn, méo… nên hãy dùng các trò chơi để bé thêm yêu toán học và tạo sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.
Khéo léo đan xen việc học toán vào các trò chơi.
Đếm, đếm và đếm
Tất nhiên, lúc này trẻ không thể phân biệt được các con số cũng như nhớ nổi chúng, và điều các bà mẹ cần làm không phải là bắt con nhớ bằng được mà biến trò chơi đếm số thành một trò vui vẻ.
Hãy cùng con đếm tất cả mọi thứ xung quanh, mẹ nói trước và để con lặp lại, rồi dần dần gặng hỏi con đếm. Ví dụ, đếm số đũa, bát trên bàn ăn, đếm những chiếc xe đồ chơi của bé, đếm xem bà có mấy ngón chân...
Thỉnh thoảng cùng con hát các bài hát có cách đếm đồ vật như: “Một với một là hai, hai thêm hai là bốn…”
Phân loại đồ vật
Để con hiểu hơn về nhóm và cách phân nhóm, hãy cho bé chơi trò phân loại đồ vật. Trong các món đồ chơi, hãy nhờ bé tách riêng xe ô tô, gấu bông, xếp hình… thành nhiều nhóm và sau đó hai mẹ con có thể đếm số đồ vật trong mỗi nhóm.
Cách phân loại, bạn có thể để bé phân loại theo hình dáng to, nhỏ, màu sắc, chiều dài, chiều rộng…
Khái niệm thời gian
Học các thời điểm như hôm qua, hôm nay, ngày mai, ngày kia, giờ, phút, ngày, tháng… bằng cách kể cho con nghe những câu chuyện có những mốc thời gian này. Thỉnh thoảng nhắc bé nhớ lại các con số thời gian đó bằng cách giả vờ hỏi con: “Mấy giờ rồi? Đồng hồ đang ở số mấy con nhỉ? ...”
Con nhặt được một con gấu rồi!
Gọi tên hình dạng đồ vật
Bày một loạt các đồ vật có hình dạng khác nhau ra khắp nhà rồi sau đó cùng con chơi trò đi tìm đồ vật. Ví dụ, hãy đưa ra các câu hỏi cho con như: “Chiếc hộp hình vuông đâu con nhỉ? Quả bóng hình tròn của con ở chỗ nào?”…
Sau đó lại đảo ngược lại, giơ các đồ vật tìm được để hỏi con xem đó là hình gì?
Những con số gần gũi và những hình khối dễ nhớ sẽ giúp con thêm thích thú và thích tìm hiểu về toán học. Các bậc phụ huynh đừng quên dành tặng con mình những lời khen, khích lệ tinh thần học hỏi và tìm hiểu.
Chỉ nên dừng lại ở những tìm hiểu nhẹ nhàng, ở những trò chơi thú vị chứ không nên cho con đi học thêm khi chưa đến tuổi đi học. Tiếp xúc quá sớm có thể khiến bé thấy quá sức, dần dần sợ môn toán và đến khi vào lớp 1 sẽ thấy đây mà một cực hình.
Theo afamily.vn