1. Hè này, Tun thích lắm vì có ông bà nội lên chơi. Tun đi khắp xóm, khoe với các bạn: “Bà nội bế con đi chơi quanh hồ. Bà nội mua bim bim cho Tun. Bà nội tắm mát cho Tun và chị Cún nữa”.
Ai dè, bé Bi ở bên cạnh thì thào ra chiều bí mật lắm: “Bà nội giả vờ đấy. Mẹ tớ bảo bà nội là “con rắn độc”. Rồi Bi lặp lại những lời mẹ vẫn “dạy” ở nhà: “Bà nội chỉ thích bế chị Tí hơn (Chị Tí là cháu ngoại của bà). Bà nội một tháng lấy bao nhiêu tiền của bố mẹ Bi mà cho bố mẹ Bi ăn vớ vẩn, không chịu bật điều hòa cho mát....”.
Hóa ra từ trước tới nay, mẹ Bi luôn nhồi nhét vào đầu con những điều không tốt về bà nội. Những bất đồng giữa mẹ chồng - nàng dâu của nhà bé Bi được mẹ đưa áp dụng vào cho các con. Bi mới chỉ bắt chước những lời mẹ nói về bà, đi kể khắp xóm. Anh Minh - anh của Bi lớn hơn một chút thì tỏ ra ngang ngạnh, cãi hỗn với bà.
Bà chỉ nhắc anh em không được đùa nghịch trên sân thượng, làm nát mấy chậu rau xốp bà trồng hoặc không dùng bình phun nước tưới khắp nhà và cầu thang, anh Minh lại vênh mặt lên: “Nhà cháu chứ, mẹ cháu bảo thích làm gì thì làm”.
2. Bé Misa học lớp 1 rồi nhưng ở với ông bà nội từ bé. Bố mẹ li dị từ khi bé còn rất nhỏ. Mỗi khi ai hỏi: “Con có nhớ mẹ không?”, bé lại trả lời một cách thản nhiên: “Cháu chỉ là con của ông bà nội thôi. Đừng nhắc tới người đàn bà hư hỏng đó nữa. Bà nội đã tống cổ nó ra khỏi nhà rồi”.
Khi nghe những lời hằn học từ miệng con trẻ, chỉ có bà nội Misa là tự hào và khoe với hàng xóm: “Nó bé mà nó biết hết mọi chuyện rồi đấy”. Chỉ vì ghét con dâu, bà nội Misa “tiêm” vào đầu cháu những lời lẽ tục tĩu, nhiếc móc con dâu: “Con mẹ mày hư hỏng, đi theo giai, bỏ con. Nếu mà đi theo mẹ, Misa sẽ bị ông ba bị bắt”.
3. Đến khu tập nhà tập thể 5 tầng cũ ở Phương Mai - Hà Nội, gặp bé Tôm, ai cũng ngạc nhiên vì tài “thao thao bất tuyệt” của bé. Hỏi bé bất kỳ về gia đình, nhà bạn nào, bé đều nói vanh vách: “Nhà ấy chồng theo gái, vợ bỏ đi bồ bịch. Con cái vứt lại cho ông bà. Nhà ấy con nghiện hút, cho lên trại cai mấy lần rồi trốn về”.
Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều những câu chuyện bé con hay “nói xấu” người lớn. Lẽ tất nhiên, tất cả những chuyện nói xấu này đều do người lớn tiêm nhiễm, đầu độc vào đầu con trẻ.
Hành động lôi kéo trẻ con vào những “tư thù” của người lớn chính là cách dạy con một cách nhìn lệch lạc, phiến diện về cuộc đời và ảnh hưởng tiêu cực với quá trình hình thành nhân cách con trẻ.
gia đình là môi trường, trường học ban đầu rất quan trọng với trẻ nhỏ. Ông bà, bố mẹ, thậm chí là những người hàng xóm chính là những tấm gương gần gũi nhất để bé học tập và noi theo ngay từ khi con nhỏ. Những việc làm, lời nói, cách đối xử của người lớn sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của con. Chắc chắn, nếu ngay từ nhỏ, người lớn đã dạy con những cách nhìn tiêu cực hay có cái nhìn ác ý với người khác, khi lớn lên, con khó có sự bao dung, độ lượng, lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn ra thói xấu của người khác.
Nhiều bậc cha mẹ bao biện rằng: “Con còn nhỏ, chưa biết gì”, nhưng trẻ con nhận biết được hết mọi điều. Bố mẹ đừng chủ quan coi nhẹ chuyện này để bé không có những lời nói, hành động hỗn láo với người lớn.
Theo afamily.vn