Mệt quá thân ta này...

Mệt mỏi là  trạng thái thường gặp của chị em phụ nữ. Những phương tiện hiện đại để "giải phóng phụ nữ" cũng không ngăn nổi màu sắc, hình khối của nỗi mệt mỏi vốn ngày càng lớn dần. Cùng với sự phát triển của xã hội và vai trò của người phụ nữ được mở rộng, bên cạnh những nỗi mệt mỏi đơn thuần, có một nỗi mệt mỏi âm thầm xuất hiện, trở thành bóng đen lặng lẽ phục kích sau lưng hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình mỗi người: nỗi mệt mỏi tinh thần.

 

Có những ngày lê thê...

Thử đặt câu hỏi với những chị em làm việc chân tay hay trí óc:"Có khi nào mệt mỏi không?". Câu trả lời hầu hết là có. "Ngày nào cũng giống ngày nào... nối tiếp những nghĩa vụ vô tận và mệt mỏi"; "Có chứ, mệt mỏi, vô cùng tận"; "Nhiều khi mệt mỏi mà không biết vì đâu, từ đâu. Có những ngày sống lê thê, nặng nề, không còn chút năng lượng...".

Phái mạnh thường xả mệt mỏi này bằng men bia. Sau vài ly bên bàn nhậu, các ông cảm thấy hứng khởi hơn, vui vẻ hơn rất nhiều. Còn nỗi mệt mỏi của quý bà thì đa dạng về nguyên nhân và khó nhận diện, do đó cũng khó giải tỏa hơn nhiều. Không được giải tỏa dễ dàng và thường xuyên như cánh đàn ông, nỗi mệt sau chồng lên nỗi mệt trước, nỗi mệt mới chồng lên nỗi mệt cũ, đến lúc tích lũy thành "mệt mỏi bội nhiễm", hỏi "vì sao mệt" cũng khó trả lời. Chỉ biết rằng đã lâu lắm rồi, không còn cảm thấy chớp sáng nào đánh thức được giác quan, không có  vụ nổ nào mở ra được những gì đang âm ỉ trong lòng.

Một điều đáng chú ý là nỗi mệt mỏi ngày càng có tuổi đời trẻ hơn. Không ít cô cậu còn choai choai đã thở dài định nghĩa: "Sống là mệt mỏi"; "Đời người là một chuỗi những sai lầm, mệt mỏi"... Những tâm hồn mệt mỏi có xu hướng co cụm, chán nản, không buồn tìm cách thay đổi hay cải thiện cuộc sống, quay mặt về đâu cũng thấy màu xám xịt u sầu. Ý chí, khát vọng vươn lên bị dập tắt dần, thay vào đó là cuộc sống "xìu xìu ểnh ểnh".

Hậu quả của tình trạng này - ở dạng nhẹ - có thể coi là những đợt trầm cảm cá nhân. Ở dạng nghiêm trọng hơn, sẽ dẫn đến sự thờ ơ, cáu kỉnh với mọi sự quanh mình, thậm chí mất lòng tin vào cuộc sống, đôi khi dẫn đến những hành vi không kiểm soát được như tự sát...

 

Che giấu hay đối diện?

Một gương mặt mệt mỏi... khiến người ta già hơn chục tuổi. Mà phụ nữ thì sợ già, sợ xấu. Vì thế, sự mệt mỏi thường được chị em giấu đi hoặc cố quên đi. Nhưng nếu không thể giấu hay vượt qua được thì phải làm sao? Đó là lúc cần nhìn thẳng vào nó.

Nguyên nhân đôi khi là những sự kiện mà chị em không ngờ tới. Một người mẹ có con nhỏ trong tháng viết: "Tôi cần một bàn tay chia sẻ lúc nửa đêm về sáng. Khi con nhỏ thức và khóc suốt đêm thì chồng tôi... ngủ thẳng cẳng. Tôi cảm thấy buồn, buồn kinh khủng mà không biết vì đâu. Tại sao những bà mẹ khác có thể vui thích chăm con, mà trong tôi lại đầy ắp nỗi buồn chán và mệt mỏi thế này? Đôi khi, tôi cảm thấy mình thật tội lỗi...".


Trong gia đình, ai cũng vui vẻ khi thằng cu kháu khỉnh chào đời, người mẹ trẻ không dám nói với ai nỗi buồn của mình. Nhưng nỗi buồn ấy là có thật, hơn nữa, nó còn được y văn đặt cho một cái tên chính xác: trầm cảm sau sinh, do người mẹ đã trải qua cơn đau sinh nở với những sang chấn quá lớn về cơ thể và tinh thần. Đó không chỉ là chuyện "cảm thấy"  mà đã trở thành chuyện phải được thăm khám và chữa trị theo một phác đồ chuẩn mực.

Có những nỗi mệt mỏi xuất phát từ... tương lai. Cái bóng của một tương lai buồn che mất vẻ đẹp của hiện tại. Đó là trường hợp của H.N.H., một doanh nhân nữ khá thành đạt. Tưởng như cuộc sống của chị không còn thiếu thốn gì: sự nghiệp ổn định, gia đình yên ấm. Nhưng không hẳn vậy. Chị tâm sự: "Chồng mình là người tốt, dù không làm ra nhiều tiền, nhưng anh biết dành thời gian để đưa đón con, lo cho con phụ mình. Còn mình đã cố gắng bù đắp phần thiếu hụt trong nhà, cố gắng kiếm tiền. Những buổi đi làm về mệt mỏi rã rời, ăn xong bữa cơm với các con, chơi đùa một chút với chúng, rồi cả nhà đi ngủ. Riêng anh ăn cơm xong 8g là tranh thủ ngủ, để 11g đêm thức dậy... ngồi thiền. Xong cuộc thiền định giữa đêm, ngủ một chút rồi anh lại thức dậy tiếp tục cuộc thiền định đầu ngày. Đêm nào cũng vậy. Còn mình lặng lẽ nằm sát vào góc giường, thao thức một hồi rồi cũng phải tự dỗ mình ngủ đi, ngày mai còn bao nhiêu chặng đường cày cấy.

Hồi đầu, những lúc nửa đêm quờ tay sang cạnh không thấy, chồng, hay những khi mờ sáng, mở mắt ra thấy một mình mình trơ trọi, cũng giật mình, nhưng rồi quen. Cái quen mông lung buồn tủi, không thể diễn đạt bằng lời, chẳng lẽ bây giờ bảo "anh đừng ngồi thiền nữa, vào ngủ với em!". Mình yêu quý gia đình của mình, nhưng trong thâm tâm, mình mệt mỏi lắm rồi...".

Áp lực của cuộc sống trên vai người phụ nữ hiện đại không chỉ tác động một cách riêng lẻ, theo từng thời điểm, mà tác động một cách đan chéo và phức tạp. Thiên chức làm mẹ, làm vợ và những công việc xã hội hôm nay đòi hỏi một sức khỏe tốt và một khả năng chịu đựng bền bỉ. Song những đặc điểm tâm sinh lý cũng như áp lực trực tiếp của đời sống xã hội, của công việc đôi khi khiến người phụ nữ "quá tải". Nhận thức được điều này là bình thường, người phụ nữ nên đối mặt với nỗi mệt mỏi và tìm cách giải tỏa từ khi chúng đang còn là những bong bóng nhỏ. Nếu giấu đi, cố quên đi để rồi chúng trở thành quả bóng lớn, sẽ đột ngột nổ tung ngoài vòng kiểm soát...

 

Mệt thì nghỉ

Một điều đơn giản: hễ mệt thì... nghỉ cho bớt mệt. Nói thì dễ như... nói, nhưng có là phụ nữ mới biết nghỉ ngơi là việc khó sắp xếp nhất trong đời. Đôi khi muốn đứng phắt dậy, quẳng hết mọi chuyện sang một bên, đi đến một nơi nào đó, bước chân trần trên cỏ xanh, ngẩng đầu lên nhìn lá, mở mắt ra nhìn nước, thậm chí chẳng cần ai bên cạnh, chỉ một mình là tốt lắm rồi. Nhưng mãi mãi đó chỉ là một giấc mơ phù phiếm.

Một ngày của người phụ nữ với bao nhiêu lo lắng quay vòng, những ước mơ, xếp đặt nho nhỏ, những nỗi buồn hay thất vọng chưa kịp có tên... khiến các chị thấy tìm sự nghỉ ngơi cho riêng mình thật là ích kỷ. Ai không muốn nghỉ ngơi, ai không muốn "quẳng gánh lo đi và vui sống", nhưng quả thật, niềm vui sống dù biết là được khuyến khích nhưng nằm ở nơi nào thật xa xôi. Bởi còn bao nhiêu việc không tên hiện diện ngay trước mắt. Cuộc đời đang sống của hàng triệu phụ nữ bình thường trên hành tinh này, đang diễn ra như thế.

Nhưng để cho những nỗi mệt nhọc hằng ngày tích tụ thành nỗi mệt mỏi vì phải sống, thì khó có phương thuốc nào chữa lành. Mọi thứ đều cần có khoảng lặng, khoảng ngừng. Mình rất yêu chồng, nhưng yêu một hồi, chắc cũng phải "nghỉ mệt" để yêu chính bản thân mình, dù chỉ một lát. gia đình mình, các con mình... mình sẽ yêu đến suốt đời, nhưng muốn tình yêu ấy có những phút thăng hoa, chắc chắn phải có những khoảng lặng cần thiết. Không có động cơ nào chạy được liên tục và vĩnh viễn. Cuộc sống con người cũng vậy, và vì nó được vận hành bằng nhiều động cơ, nên chăng có khoảng dừng phù hợp cho từng động cơ riêng lẻ? Nếu không, đến lúc tất cả các động cơ đều quá tải, cuộc sống của mình sẽ rơi vào giai đoạn "mệt mỏi toàn bộ" - sống trong mệt mỏi.

Mệt thì nghỉ cho khỏe - lẽ đương nhiên. Nhưng mệt vì cuộc sống, chẳng lẽ nghỉ sống một hồi cho khỏe được sao?

Hoàng Mai


------------------------------

------------------------------
Tags:
Đã đọc : 2000 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm