Hùng, 24 tuổi, sở hữu tấm bằng đại học và bảng điểm đẹp từ một trường danh tiếng và chất lượng ở Hà Nội. Với cái đầu luôn đầy ắp ý tưởng và tư duy thông minh, nhiều cơ quan, tổ chức chào đón anh như một tài năng trẻ với mức lương hấp dẫn. Thế mà Hùng vẫn... stress.
Cái tật ở đây là tật của người trẻ có cái tôi cá nhân lớn, có cá tính và cuộc sống nội tâm đặc biệt, có ham muốn phá phách của lứa tuổi mà suy nghĩ còn nông nổi. Khi không dung hoà được cái tôi của mình với cái ta của tập thể, Hùng thay đổi công việc liên tục. Lý giải cho hành động này, anh tâm sự có những khi muốn trốn đến một nơi thật xa để tự thưởng cho mình vài khoảnh khắc bình yên, thậm chí trống rỗng trong tâm hồn, để dành ra một khoảng lặng nhìn lại con đường và định hướng của chính mình. Nhưng 2 năm qua, Hùng vẫn đang luẩn quẩn trong vòng xoay ấy.
Gần giống Hùng, Lan vừa tốt nghiệp cũng nhận được lời mời công việc hấp dẫn, với mức lương cao khó tin 800 USD/tháng. Công việc mới mẻ, thách thức. Môi trường làm việc trẻ và đặc biệt là rất 8x. Để xứng đáng với những gì được trả, cuộc sống của cô bạn này luôn trong tình trạng áp lực đè nặng, 24h thì đến 12h dành cho công việc. "Đầu óc mình lúc nào cũng phải suy nghĩ, hoạch định chiến lược để phát triển công ty. Đôi khi đưa ra những ý tưởng táo bạo, mới và khác biệt thì sếp và đồng nghiệp gạt phăng đi. Suy nghĩ của họ quá cẩn trọng và lạnh lùng, không giống với thế hệ 8x tụi mình", bạn gái 24 tuổi bộc bạch. Đến khi không thể giải quyết trọn vẹn núi công việc ngày càng chất cao, đầu óc căng thẳng, Lan trở nên cáu bẳn, xa cách, lạnh lùng. Tình trạng khó ngủ rồi không ngủ được xuất hiện, sức khoẻ suy sụp, tinh thần mệt mỏi. Bị sếp quở trách, đồng nghiệp xem thường, cô giám đốc dự án trẻ chán nản, phiền muộn và cuối cùng lâm vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng.
Tuấn lại khác. Mẹ em gọi điện đến Trung tâm tư vấn tâm lý trong một tâm trạng hoảng loạn. Vốn tư chất thông minh, 12 năm liền Tuấn đều là học sinh xuất sắc. Nhưng hiện tại em một mực đòi bỏ học đi làm. Hình ảnh trường Đại học với những kiến thức mới mẻ, sinh động, hấp dẫn trong mắt em tan tành mây khói. Khi vừa chân ướt chân ráo vào cổng trường Đại học, các sinh viên năm thứ nhất như em bị nhồi nhét hàng loạt các môn học trừu tượng, phải học thuộc lòng liên tục. Tình trạng thầy giảng, trò chép triền miên khiến Tuấn ngày càng chán học. Mệt mỏi với cách học gạo, tốn thời gian và công sức, Tuấn một mực không muốn tới trường nữa.
Trường hợp của Quyên, một trợ lý giám đốc trẻ, thì cô bạn này lại... tự "vác" bệnh vào người. Từ nhỏ đến lớn Quyên nổi tiếng với bạn bè xung quanh vì cái đầu lạnh, tính khí lạ lùng và thành tích học tập đáng nể. Nhưng so với tư duy của một đứa trẻ, rồi một người trẻ, Quyên quá lạnh và quyết đoán. Cuộc sống sẽ mãi như vậy cho tới một ngày Quyên phải đến bác sĩ tâm lý. Bác sĩ yêu cầu bạn điều trị trầm cảm trong thời gian dài, tiêm và uống nhiều loại thuốc có tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Căn nguyên bệnh tật về tinh thần và yếu ớt về thể xác ở đây là sự tự gây áp lực với chính mình. Đương nhiên cuộc sống sẽ không còn thú vị nếu không có những áp lực, những khó khăn hay thử thách. Nhưng nếu liên tục đặt áp lực cho mình, tự cô lập mình trong một môi trường không có sự chia sẻ thì chắc chắn cô gái 23 tuổi này không nhận được gì ngoài... bệnh trầm cảm.
Tại sao 8x dễ bị trầm cảm?
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: "8x sinh ra khi đất nước đang chuyển mình, khi nền văn hoá phương Tây cùng cuộc sống đa dạng của thế giới mở ùa vào, do đó họ đón nhận và ảnh hưởng trực tiếp nhất. Giống như bao người Việt Nam khác, "nghĩ bằng bụng, sống bằng lòng", lấy tình cảm làm trọng, thế hệ trẻ luôn bị giằng xé giữa hai thái cực. Một bên là "cái cũ", là truyền thống cổ xưa, bên kia là cuộc sống mới, là xã hội hiện đại khách quan nhưng lạnh lùng, cạnh trạnh hơn. Vì thế đôi khi 8x vẫn lạc đường. Họ chưa điều chỉnh được phương pháp tư duy của mình để dung hoà cái tôi với cái ta, cái mới với cái cũ, tư duy logic và đầu óc phân tích với nếp nghĩ, lối sống, tư duy tiểu nông mang nặng chữ tình xưa cũ".
Theo một khảo sát nhỏ của Ngôi Sao thăm dò ý kiến độc giả về việc Bạn định hướng tương lai của mình như thế nào từ ngày 18/8 đến 15/9, tòa soạn đã nhận được 10.745 phiếu tham gia. Tuy 45,5 % (4.893 phiếu) nói rằng mình có định hướng cho từng giai đoạn, nhưng bên cạnh đó vẫn có tới 10,3 % (1.109 phiếu) cho biết họ chẳng có tính toán gì cho tương lai, hoặc 210 phiếu nói rằng tương lai của họ đã có cha mẹ lo.
Theo tổ chức y tế thế giới, toàn cầu hiện có không dưới 100 triệu người trẻ bị trầm cảm. Họ thường xuyên thấy mệt mỏi, đau nhức khắp nơi không rõ nguyên nhân, giảm sút tinh thần nghiêm trọng. Trớ trêu là những người mắc căn bệnh như "bệnh giả vờ" này hoặc "giữ bệnh" cho riêng mình, hoặc đến các bác sĩ không chuyên, vì thế chỉ có 1-5% trường hợp là chẩn đoán đúng. Trong số bệnh nhân trầm cảm từng nhập viện, 15% tử vong do tự sát. Mỗi năm, cả thế giới tiêu tốn khoảng 240 tỷ USD cho trầm cảm và các rối loạn liên quan.
Nhà giáo Nguyễn An Chất, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn tại Hà Nội cho biết: "Hiện tại, số người mắc những triệu chứng lo âu, căng thẳng thần kinh, sang chấn tâm lý, stress, trầm cảm hay nặng hơn là u uất ở Việt Nam không ít hơn so với các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong khi ở các nước Âu-Mỹ, nghề tư vấn tâm lý hoạt động rất chuyên nghiệp thì ở ta, công việc này vẫn nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ và hệ thống. Hơn nữa, người Việt Nam cũng chưa có thói quen tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị kịp thời những đau đớn, tổn thương, mất mát cũng như tình trạng stress của họ. Tệ hơn, có những người sử dụng các biện pháp lạc hậu, mê tín dị đoan để điều trị những tổn thương tâm lý".
Theo số liệu khảo sát thực tế do Hoffmann-La Roche tiến hành nhằm đánh giá tình trạng stress ở Việt Nam vào năm 2002, tỷ lệ bình quân người bị stress trong cả nước là... 52%. Riêng Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lần lượt là 55% và 52%. Một khảo sát khác thực hiện ở các trường THPT nội thành TP.HCM cũng đưa ra một số liệu đáng ngại không kém: 21% học sinh trung học bị trầm cảm.
Nghiên cứu của các giáo sư Đại học California, Mỹ mới đây cho hay lớp trẻ sử dụng sex như một cách để đối phó với chứng trầm cảm. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thanh thiếu niên quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su hoặc uống thuốc tránh thai. Hệ quả của việc này là nguy cơ mắc HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tình trạng mang thai ngoài ý muốn trong giới trẻ tăng chóng mặt. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hoá gia đình, Việt Nam là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Bệnh trầm cảm cũng "dẫn dắt" nam giới tuổi 8x sa đà vào rượu hoặc ma tuý.
Chị Phùng Thị Hiên, Trưởng phòng tư vấn của Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn, phụ trách đường dây nóng 1900585886 cho biết: "Trầm cảm là trạng thái rối loạn cảm xúc, do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, stress, sang chấn tâm lý hoặc gặp các biến cố trong cuộc sống. Nguyên nhân của trầm cảm đa dạng nhưng nhìn chung là do người bệnh cùng lúc phải chịu nhiều áp lực ở nhiều góc độ đan xen nhau. Các biểu hiện của trầm cảm: - Khí sắc trầm, buồn, mất quan tâm thích thú với mọi việc. - Thay đổi trọng lượng cơ thể, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng. - Giảm khả năng tập trung, hay do dự. - Mất ngủ hoặc ngủ triền miên. - Kích động hoặc trở nên chậm chạp, ngại vận động. - Dễ mệt mỏi, mất sức. - Giảm lòng tự trọng và tự tin, nhìn tương lai ảm đạm, bi quan. - Cảm giác vô dụng, vô giá trị hoặc tội lỗi không thích đáng. - Đôi khi xuất hiện các cơn vật vã. - Hay nghĩ đến cái chết, có ý định, hành vi hoặc kế hoạch tự sát. Ngoài ra, bệnh trầm cảm có thể biểu hiện bằng các triệu chứng thực thể không rõ nguyên nhân như nhức đầu, đau lưng, đau bụng, đau dạ dày, đau ngực, đánh trống ngực, tim đập nhanh... |
Cuộc sống hiện đại khiến con người tự do hơn, đầy đủ hơn về vật chất nhưng cũng độc lập, cô đơn hơn trong đời sống tinh thần. Thực tế, nước trong cốc chỉ còn lại một nửa, nhưng người có tư duy tích cực sẽ nhìn vào phần còn của cốc nước thay vì phần vơi.
Một người mất việc có thể bi quan, mất niềm tin ở bản thân và hy vọng ở tương lai. Một người thất tình có thể chìm đắm trong đau khổ, chán chường. Cách giải quyết tốt nhất là nhìn thẳng vào thực tế. Nếu không đơn giản được vấn đề thì đừng phức tạp chúng thêm.
Khi đã rèn được cho mình lối tư duy tích cực, họ sẽ đối mặt với sự thật theo cách: "Công việc cũ đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu", "tôi đã quen rất nhiều bạn tốt nhờ công việc này" hoặc "thật may mắn vì chúng tôi đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc", "người ấy từng rất yêu và quan tâm đến tôi".
Tư duy tích cực mang đến sự bình an và thăng hoa cho tâm hồn. Đó là suy nghĩ của những người biết cách sống, biết cách tư duy đúng đắn và biết cách yêu thương. Một phương thuốc hiệu quả để tránh stress là luôn mỉm cười và đừng lướt qua cuộc sống quá nhanh. Những món quà quý giá của tạo hóa như một cảnh tượng đẹp, một bộ phim, bản nhạc hay... sẽ giúp con người lấy lại năng lượng và sức sống sau chuỗi ngày mệt mỏi. "Hãy dùng cái đầu để tư duy chứ đừng suy nghĩ bằng cái bụng. Tự trau dồi trí tuệ, tự cân bằng lối sống để tự vượt qua những ảnh hưởng, tác động của xã hội hiện đại. Một lối tư duy sáng sủa, có phương pháp, hệ thống và khoa học sẽ là chìa khoá giải quyết mọi vấn đề", đó là lời tâm huyết của bà Thái gửi tới thế hệ trẻ, đặc biệt là 8x.
Phố Cổ