1. Tất cả chúng ta ít nhiều đều bị stress, nhưng những người có suy nghĩ và lối sống tiêu cực, những người tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo sẽ làm gia tăng rất nhiều mức độ stress của họ trong cùng một vấn đề
2. Một vài dạng stress có thể đem lại lợi ích. Không phải tất cả những gì bị gán cho từ “stress” cũng đều mang nghĩa xấu, cần loại trừ. Chẳng hạn như “eustress” (tạm hiểu như một dạng stress giúp tăng tính mạo hiểm, đem lại cảm giác sảng khoái, bùng nổ và cần thiết cho mỗi người), có thể bắt gặp trong trò chơi Roller-coaster (nếu bạn là người đam mê tốc độ và cảm giác mạnh) hoặc một dạng eustress khác mà bấy lâu nay phần đông nhân loại đều mắc phải nhưng vẫn vô tư chấp nhận, thậm chí sẽ stress thật nếu không được “dính phải”, đó chính là tình yêu.
Những ai đã yêu, đang yêu và sắp yêu hẳn hiểu rõ những “căng thẳng” trong chuyện này hơn bao giờ hết, song lại tôn thờ hơn bao giờ hết, và đố có nhà tâm lý học nào đủ can đảm “kê toa” cho những bệnh nhân dạng này (!).
3. Tự bạn có thể ngừng ngay các phản ứng tiêu cực với stress. Khi bạn gặp stress, sẽ có những thay đổi về hóa chất trong cơ thể bạn được sản sinh nhằm giúp bạn hoặc đương đầu với stress hoặc “bỏ chạy”. Và buồn thay, nếu mọi người trong chúng ta vẫn cố chấp đương đầu với stress (ngoại trừ dạng “eustress”) thì mức độ duy trì và ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục kéo dài và kịch tính hơn.
Trong khi đó, mỗi chúng ta vẫn có quyền “bỏ chạy” (không nên dùng “chiêu” này với eustress) như tập thở đều, thiền hoặc các bài tập phối hợp thả lỏng cơ thể và tâm trí, sẽ giúp làm dịu và đưa chúng ta sớm trở lại trạng thái quân bình.
4. Ngay cả những căng thẳng nhỏ cũng ảnh hưởng không kém đến cơ thể bạn. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những hậu quả của việc bị căng thẳng kéo dài hàng tuần hay hàng tháng; nhưng liệu bạn có biết rằng chỉ những lần căng thẳng nho nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng không tốt lên hệ miễn dịch của cơ thể bạn, làm gia tăng khả năng mắc bệnh của cơ thể?
5. Bạn có thể ngăn chặn được một số lượng stress kha khá. Như đã nói ở trên, stress là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên bạn vẫn có thể tổ chức lối sống để tạo được “vùng đệm” tốt ngăn cản phần nào stress và các tác nhân dẫn đến stress. Ví dụ, lập bảng theo dõi chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, có những mối quan hệ thân tình với bạn bè…
6. stress sẽ khiến bạn trông già đi trước tuổi. Điều này là chắc chắn. Chẳng ai có được vùng da trán phẳng phiu nếu luôn luôn cau mặt nhíu mày vì căng thẳng, hay tránh được những quầng thâm nơi mắt khi luôn mất ngủ vì lo âu...
7. Không phải ai cũng “stress theo cách của… nhau”. Điều này không có gì khó hiểu vì mọi cá nhân đều độc lập trong suy nghĩ và hành động từ khi sinh ra, bên cạnh đó môi trường sống, chế độ giáo dục, điều kiện học tập và làm việc cũng góp phần khiến cùng một vấn đề luôn được nhìn qua hàng trăm hàng vạn lăng kính khác nhau.
Với những người ngay từ nhỏ đã sống trong môi trường đầy cạnh tranh thì sẽ thấy “chuyện không có gì to tát” nếu sau này cũng vào làm trong môi trường nhiều cạnh tranh, nhưng những ai từ bé đã quen với cảnh thanh bình, nhung lụa thì “có vấn đề đấy”.
8. Một vài “nguồn giải stress” thật sự làm bạn stress hơn. Thuốc lá, “chất cay”, các hoạt động buôn bán… “dưa lê”, hay gần đây là những loại thuốc tân dược gây ảo giác v.v đã và đang được một bộ phận không ít người xem như “nguồn giải stress” hiệu quả (!?). Nhưng thực tế thì “nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” khi sau đó tiền mất bệnh mang, chì chiết của vợ, oán thán của con, sự xa lánh của bạn bè, mất nhân cách, công việc bị đình trệ và nặng hơn là tiêu tán… Do vậy, hãy liệt kê những thói tật ấy vào hàng thói xấu cần loại bỏ hơn là đồng minh thân cận. Chẳng ai có thể sống vô lo khi hàng đống những mất mát ấy đổ lên đầu cả!
BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (trích dịch từ About.com)