Sau thời trai trẻ thay người yêu như thay áo, Thành lấy được cô vợ ngoan hiền, không chưng diện đua đòi. Thế nhưng anh chàng như ngồi trên đống lửa nếu thấy vợ nói chuyện với đàn ông. Các nhà tâm lý cho rằng tính đào hoa của anh chính là nguồn gốc cơn ghen.
Không có gì kinh khủng hơn khi biết mình bị lừa dối, bị quên lãng, bị chối bỏ, và bị thay thế. Hơn nữa, đây lại là những tình cảm khó có thể nói ra được do chủ thể bị những ức chế dồn nén. Ghen: Hãy nhìn hiện tượng này từ trong vô thức.
Bạn và tôi, ai ai cũng công nhận đó là một nỗi đau lớn. Đôi khi ghen khiến người ta muốn giết một ai đó, muốn “chết quách cho xong”. Nhưng cái xung lực thúc giục những hành động khả dĩ đó được biểu hiện khác nhau tuỳ theo bản chất mỗi người.
Chị Khanh đã sống với anh Bình 3 năm và sau đó ly dị chỉ vì không chịu được tính chất nghề nghiệp của anh - bác sĩ sản khoa. Chị không thể chịu được việc ngày nào anh cũng phải nhìn thấy bộ phận sinh dục của nhiều phụ nữ. Khanh không tin lời chồng rằng anh luôn “điềm tĩnh” với những hình ảnh đó, vì đây chỉ là công việc. Có lần, Khanh đến nơi chồng làm và hoàn toàn bất ngờ trước các sản phụ: nhiều cô quá xinh đẹp! Thế là sau đó chị “tra khảo” Bình về cảm giác của anh khi thực hiện việc đỡ đẻ. Từ đó về sau, mỗi khi hai vợ chồng đi ngủ, chị luôn bị ám ảnh với ý nghĩ rằng cảm hứng của anh ấy khi ái ân với mình chắc là từ mấy cô mang bầu xinh đẹp đó chứ không phải từ vợ.
Các nhà tâm lý cho rằng ghen là một tình cảm đã được nhen nhóm từ trong tâm khảm chúng ta thời thơ ấu. Minh, một cô gái 26 tuổi, ghen chồng do những ký ức liên quan đến cha. Khi lấy Phong, một người đàn ông lớn hơn cô 15 tuổi, Minh đã ghen một cách khó hiểu. Cô lục tìm và vứt bỏ tất cả thư từ và ảnh chụp cô bạn gái trước đây của anh. Họ xung đột và suýt đổ vỡ. Cô buồn chán và đi gặp bác sĩ, và được biết mình ghen vì một vết thương tâm lý từ nhỏ, khi cô oán giận bố cực độ. Năm 12 tuổi, cái tuổi bắt đầu trưởng thành, muốn được công nhận là một cô gái đã lớn và muốn tự khẳng định mình, bố Minh lại nói nhiều về một người bạn thân của mẹ, xem cô ấy như một mẫu mực mà con gái phải noi theo. Và Minh cũng từng mơ được giống như cô ấy, nhưng trong lòng cảm thấy chua xót vì mình không được quan tâm… Sau khi lắng nghe, bác sĩ đã giúp Minh dần dần “xa lánh” được những cơn ghen với chồng vì anh ấy không có lỗi gì cả.
Qua chuyện trên, có thể thấy rằng tình cảm bùng phát và được gọi là “cơn” ghen đó đôi khi trở nên bí hiểm đối với người trong cuộc. Theo các chuyên gia tâm lý, con người ta ghen khá nhiều lần trong quãng đời thơ ấu của mình. Trong số đó, có những lần ghen đã khắc sâu vào tâm lý mãi cho đến tuổi trưởng thành. Ví dụ cậu bé cảm thấy bị bố mẹ bỏ rơi khi có một đứa em - được xem là một sự kiện kinh khủng lắm đối với cậu ta. Song, sự ghen tuông này là cần thiết để giúp trẻ hiểu được rằng nó không phải là duy nhất và giúp nó chuẩn bị được những suy nghĩ độc lập về sau. Dù vậy, chấn thương tâm lý mà trẻ em trải qua và phải chịu đựng sẽ không giống nhau về cường độ. Và những “di chứng” này có ảnh hưởng nhiều hay ít về sau là tuỳ thuộc vào bản chất của từng người.
Ghen vì tự cảm thấy mình không chung thuỷ?
Thành là một thanh niên đào hoa, nhưng từ khi lấy vợ, anh đã (phải) “gác kiếm”. Cô vợ cũng rất chung thuỷ với chồng, không chưng diện, đua đòi. Dù vậy, khi thấy vợ mình trò chuyện với đàn ông là Thành lại “nổi cơn tam bành”.
Theo chuyên gia phân tâm học Jean-Pierre Winter thì Thành hoàn toàn ghen một cách có lý, nhưng cái “lý” đó lại xuất phát từ phía anh ta, một cách rất chủ quan. Có nghĩa là, hình ảnh của người đàn ông đang trao đổi với vợ anh Thành vô tình đã khơi dậy trong anh ấy khát khao tán tỉnh phụ nữ, vốn là ham muốn ngày xưa của anh ta và hiện vẫn còn âm ỉ trong tiềm thức. Và tiềm thức đã cảnh báo với Thành rằng từ ham muốn dẫn đến hành động chỉ cách nhau có một bước chân mà thôi. Do đó, tự trong thâm tâm và chỉ qua suy nghĩ, Thành cảm thấy mình là người có lỗi với vợ, nhưng đồng thời cũng thấy mình không thể lừa dối vợ mà đi tán tỉnh các cô gái khác. Anh ta phản ứng ngược lại, theo cách “gán” sự ham muốn đó của mình vào cô vợ. Thế là...ghen.
phụ nữ có ghen hơn đàn ông hay không?
Không. Nhưng phụ nữ lại ghen “tốt” hơn đàn ông. Khác với cánh mày râu, các chị em thường tỏ ra hiếu kỳ và tìm hiểu khá kỹ đối thủ của mình, từ ngoại hình, tóc tai, ăn mặc, cho đến những sở thích cá nhân... Trong khi đó, đàn ông đa phần đều thẳng thừng bác bỏ nếu có ai đề cập, cho rằng mình không bao giờ biết ghen cả! Nhưng thực tế không phải vậy. Một cô gái kể: “Bạn trai tôi thường nói anh ấy không hay ghen tuông vớ vẩn. Tôi biết anh ấy thành thật. Nhưng một hôm, tôi nói với anh rằng trước khi biết anh, tôi cũng có thân với một anh bạn rất tốt. Thế là anh ấy hậm hực và tỏ ra khó chịu một cách quá quắt, như thể trái đất này sắp nổ tung vậy!”.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng anh chàng trên “rất đàn ông”. Quý ông thường tỏ ra mình là người luôn vô tư, nhưng khi đối diện với một tình huống mà họ cho là mình bị lừa dối thì lại dễ sụp đổ. Trong khi đó, phái đẹp lại rất dễ dàng thể hiện cái ghen một cách tức thời, ngay từ giây phút đầu tiên khi tình huống xảy ra, thậm chí đôi khi đó chỉ là tình huống giả định.
Có thể nào không ghen?
Chính Freud cho rằng nếu như có ai đó không ghen, tức là người ấy đã phải tự kiềm chế tình cảm ghen mà mình đang có. Trong trường hợp này, cảm xúc ghen lại chi phối trong vô thức của đối tượng một cách còn mạnh mẽ hơn nhiều.
Ví dụ: Anh Quang 33 tuổi luôn tự hào rằng mình không bao giờ ghen, bởi lẽ: “Tại sao phải ghen? Tôi luôn biết cách kiểm soát mình và dửng dưng với chuyện đó. Tôi đã miễn nhiễm. Khi người con gái cư xử không tốt với tôi,nếu là người khác thì họ sẽ ghen dữ lắm. Nhưng đối với tôi, đơn giản là tôi sẽ không yêu cô ta nữa. Cô ấy chẳng còn gì để tôi quan tâm, và tôi khinh bỉ cô ấy. Thế thôi”.
Các chuyên gia sau khi phân tích quá khứ của Quang đã lý giải: Là con cả của một gia đình có 5 anh em trai, anh cảm thấy mình bị bỏ rơi ngay từ khi đứa em thứ hai ra đời. Sự kiện này đã gây cho Quang một chấn thương kinh khủng và lần ghen duy nhất đó đã khiến sau này, từ trong vô thức, anh đã chối bỏ cảm xúc ghen với kinh nghiệm là mình có lẽ không đủ sức để chịu đựng nó. Anh ta đã tránh né cảm xúc thực tế và có cảm giác là mình không biết ghen. Thay vào đó, cảm xúc ghen ở anh đã biến thái thành một thái độ đối kháng ngược lại, tức lạnh lùng lẫn căm thù đối tượng của mình.
Khi nào ghen trở thành bệnh lý?
Theo chuyên gia tâm lý xã hội Catherine Anthony, một khi chúng ta luôn bị chi phối bởi nhiều xung đột dai dẳng do ghen gây ra, cần nghĩ đến việc bị “kẹt” vào cơn ghen và khó thoát ra được. Sự kẹt này có thể được chứng minh bằng các diễn biến thực tế như: không thể nào “tách mình” ra được một đối tượng nào đó, dù người đó đã có những biểu hiện lộ liễu về sự không chung thuỷ; hoặc luôn có những ám ảnh sai lệch về người bạn đời của mình. Những biểu hiện như trên rất có khả năng khiến chúng ta bị suy sụp nghiêm trọng, có thể dẫn chúng ta đến những rối loạn cực độ như mất trí hay cuồng loạn, thậm chí giết người hoặc tự tử.
Ghen có thể là cách che giấu ham muốn đồng tính?
Có một dạng ghen mà Freud cho là một hiện tượng “hoang tưởng”. Khi đó, đối tượng mà người ghen nhắm vào không phải là người chồng hay người vợ của mình mà lại là “đối thủ” của mình! Chẳng hạn, một người vợ bị thu hút bởi một cô bạn gái của chồng. Cô đau khổ vì "tình địch" lại yêu chồng hơn là yêu mình. Nói ngắn gọn, hiện tượng ghen hoang tưởng này là một cách biểu hiện của ham muốn đồng tính bị dồn nén.
Ghen và đố kỵ khác nhau ở điểm nào?
Nhiều người chỉ ghen trong tình yêu, và một số người chỉ có tâm lý đó trong công việc. Ở trường hợp sau, người ta gọi là sự đố kỵ. Vì ghen tức là sợ mất đi một cái gì mà mình đang có, còn đố kỵ là không muốn thấy người khác có những gì mà mình muốn có. Mặt khác, cảm xúc ghen có thể bị chi phối từ nhiều đối tượng (đối thủ) khác nhau, trong khi hiện tượng đố kỵ thường chỉ có từ mối quan hệ với một người mà thôi. Nhưng cả hai trạng thái tâm lý tình cảm này có một mối liên quan mật thiết với nhau. Từ “ghen”- jealousy (tiếng Anh) hoặc jalousie (tiếng Pháp) có nguồn gốc từ một từ cổ Hy Lạp - zelos, nghĩa là “tình cảm ức chế khi nhìn người khác hơn mình”, tức là đố kỵ.
Chúng ta luôn “sợ” những kiểu đối thủ nào?
Trong cuộc sống, mỗi người dường như chỉ “quan tâm” đến một týp đối thủ nào đó mà thôi. Nói chung, có 2 mẫu đối thủ chính sau đây:
Đối thủ đồng đẳng: Vợ của Mạnh là người có quan hệ rộng, trong khi anh thì không. Nhưng điều đó không làm Mạnh khó chịu nếu như các đối thủ luôn có những điểm khác biệt với anh. “Nhưng một hôm tôi thấy cô ấy trò chuyện khá thân với một người đàn ông có tính cách khá giống tôi, thế là tôi mất ăn mất ngủ vì chuyện đó” - Mạnh kể. Theo chuyên gia Jean-Pierre Winter, Mạnh là người quá tự mãn về bản thân mình. Anh cho rằng không ai có thể tốt hơn mình và thế là khi có một “đối thủ” hao hao giống anh ta xuất hiện, như một bản sao mà Mạnh cho là hoàn hảo hơn mình, anh ta sợ một ngày nào đó nhân vật này sẽ thế chỗ anh ta. Thế là ghen tuông bùng nổ!
Đối thủ đối kháng: Ngược lại, anh Sơn - một giáo viên - lại không thể chịu được một đối thủ có những đặc điểm trái ngược với mình. Anh hoàn toàn không ghen tuông gì với người chồng trước của vợ, nhưng một hôm anh tình cờ đọc được một lá thư cũ của người đó viết cho vợ, đầy những lỗi chính tả. Điều đó đã làm anh suy sụp. "Tôi không hiểu gì cả. Nếu như vợ tôi đã có thể yêu được một con người kém cỏi như vậy thì tại sao cô ấy lại có thể đến với tôi trong khi tôi hoàn toàn khác hẳn với anh ta? Nếu như tôi không mang lại được cho vợ tôi những gì mà cô ấy mong muốn thì cô ấy yêu tôi ở những điểm nào?”. Phản ứng này được giải thích là anh Sơn sau khi xem bức thư rất tệ đó đã cảm thấy không an tâm khi nghĩ mình không thật sự là đối tượng mà vợ tìm kiếm. Anh ta đã sụp đổ vì hai lý do: phẩm chất của anh ta bị so sánh và tổn thương do tình cảm quá đề cao bản thân mình.
Tại sao khó từ bỏ lòng ghen?
Đối với nhiều người, ghen là bằng chứng cho một tình yêu. Nếu như dùng chữ “ghen” như là một thủ thuật để hâm nóng mối quan hệ lứa đôi thì nhiều khi cũng hữu ích, bởi vì đôi khi ghen cũng khơi dậy được từ hai phía một sức mạnh thu hút, làm dâng lên một ham muốn mãnh liệt về tinh thần lẫn xác thịt. Song ngược lại, mặt trái của nó là khi “bị” thể hiện ra một cách thái quá, ghen sẽ dẫn đến những thái độ vô cùng hung hãn của chủ thể, ví dụ như anh chồng (hay cô vợ) sẽ muốn “xé xác đối phương ra từng mảnh”. Như cô Tâm thổ lộ: “Ông xã tôi thường hay có những lúc ghen tuông rất ư là vô căn cứ, khiến nhiều lúc tôi bị sốc và rất bực mình. Nhưng đến một ngày nọ, tôi nghiệm ra rằng anh ấy là một tuýp người rất... thích ghen. Sau những lần ghen vỡ bờ như vậy, anh ấy đã nồng cháy với tôi nhiều hơn gấp bội!”.
Làm sao chữa “bệnh”?
Mỗi người trong chúng ta đều được trang bị những phương cách để tự bảo vệ mình, dù cho tất cả đều được chi phối từ trong vô thức. Có người thì tự chui vào vỏ bọc khi họ cảm thấy mình không thể (hoặc không muốn) yêu, với lập luận và lập trường rằng: “Không yêu để không bị phản bội!”. Một số người khác thì quá tự tin rằng mình luôn có một hoặc nhiều ưu điểm vượt trội hơn người khác. Từ những lý do kể trên, đã sinh ra thiên hình vạn trạng kiểu ghen khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia Jean-Pierre Winter dự báo: Chúng ta sẽ không thể chữa trị được “bệnh ghen”, cũng như không thể chữa trị được “bệnh yêu” vậy! Con người chúng ta không thể không ghen, nhưng hoàn toàn có thể tìm hiểu các cơn ghen để hành động sao cho chúng ta đừng bị tổn hại quá mức vì nó!
Một vài lời khuyên:
Đừng hành hạ bản thân mình: Đừng lục tìm vào việc riêng của chồng (vợ) mình, nếu như bạn không muốn tìm thấy ở đó đủ mọi lý do để ghen! Bởi lẽ khi chúng ta ghen, mọi chứng cứ có được đều… xác đáng cả.
Hãy nhớ lại những phút giây mặn nồng trong những gặp gỡ lần đầu tiên. Hãy tìm lại những cảm xúc chân thành đã dẫn dắt bạn đến tình yêu này, để khi “muốn” ghen, ta đã có những “dữ liệu quan trọng” nói trên làm “cơ sở”.
Hãy hiểu rằng tình cảm lứa đôi mà bạn vun đắp với một đối tượng nào đó luôn là duy nhất. Những gì đã xảy ra giữa hai con người cụ thể với nhau không bao giờ có thể tái lập một cách rập khuôn với một đối tượng khác.
Đừng ngần ngại tiếp xúc với “đối thủ” của mình nếu như hình ảnh của anh (chị) ấy luôn ám ảnh mình. Hành động này sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng bị ảo giác hành hạ, bởi khi ghen, chúng ta luôn nghĩ về những tình huống tiêu cực và những chi tiết đó sẽ “bọc” chúng ta lại trong một mớ bòng bong rối mù. Chính chuyên gia phân tâm học Michèle Montrelay đã đưa ra lời khuyên này với lời nhắn rằng: “Đó là bước đi đầu tiên nhằm giúp bạn tìm lại chính mình”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)