Theo phát hiện mới đây của các nhà khoa học Australia, khoảng 1/5 dân số trên thế giới có kiểu gien có nguy cơ cao bị bệnh trầm cảm.
Trong suốt 25 năm qua, các nhà khoa học ở Đại học New South Wales (UNSW - Australia) đã nghiên cứu mẫu DNA của 127 người. Cứ 5 năm một lần kể từ năm 1978, những người này lại được giám sát bệnh trầm cảm và những sự kiện lớn trong cuộc đời.
Theo nghiên cứu này, những người có kiểu gien 5-HTTLPR ngắn hơn bình thường dễ bị trầm cảm khi đối mặt với những sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống.
Sự tác động giữa gien 5-HTTLPR và các sự kiện bất lợi trong cuộc sống có thể dự đoán việc phát triển tình trạng trầm cảm trong 5 năm trước khi bị bệnh trầm cảm.
Gien 5-HTTLPR ở nhiễm sắc thể 17 là một gien kiểm soát serotonin (chất dẫn truyền thần kinh), nó giúp chuyển serotonin trong hệ thống thần kinh. Kiểu gien 5-HTTLPR ngắn hay dài là do biến thể trong chuỗi DNA.
Những người có kiểu gien 5-HTTLPR ngắn có 80% khả năng bị trầm cảm nếu họ gặp ba biến cố (như mất cha/mẹ hoặc người thân thiết, đổ vỡ quan hệ, khủng hoảng về công việc, tài chính, nhà ở và sức khoẻ) trở lên trong một năm.
Trong khi đó, những người có kiểu gien 5-HTTLPR dài chỉ có 30% nguy cơ bị trầm cảm.
Nhà nghiên cứu Kay Wilhelm nhận định phát hiện này có ý nghĩa lớn trong điều trị bệnh trầm cảm. Theo đó, có thể giảm nguy cơ bị trầm cảm ở những người có kiểu gien 5-HTTLPR ngắn bằng cách luyện cho họ cải thiện cách phản ứng trước stress.
- Minh Thương (Theo AFP/ABC/AAP)