Khảo sát của Bệnh viện Nhi trung ương tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội cho thấy: trên 90% các em được hỏi muốn có một nơi có thể đến để “dốc bầu tâm sự”, hoặc tìm lời khuyên để giải quyết các vấn đề “khó nói”. Lý do được đưa ra là các em ngại hỏi bố mẹ, còn thông tin trên sách báo có khi cũng chưa đầy đủ, nhiều em đã tìm đến Internet trong khi đó là môi trường nhiều cám dỗ với các em.
“Tôi thấy buồn đến mức không thể chịu nổi, thấy nản lòng vì thực tại và không tìm thấy bất cứ sự hài lòng nào về bản thân. Tôi cảm thấy mình không có giá trị”. Bạn có cảm thấy giật mình khi đọc được những dòng này, nhất là khi biết đây là tâm sự của một cô bé 13 tuổi?
“Hội chứng cô đơn”
Những dòng tâm sự ở trên là của em Vũ Thị H., 13 tuổi ở Hà Tây, tại Phòng khám và
tư vấn dành cho trẻ vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương). Khi được các bác sĩ thăm khám và hỏi han tận tình, H. cho biết lý do dẫn đến tình trạng
trầm cảm nặng là do em lo lắng về mối quan hệ căng thẳng giữa bà nội và mẹ.
Em Nguyễn Thị O., 11 tuổi, từ vài tháng nay thường xuyên bị bệnh đau đầu. Thầy cô giáo và
gia đình cho biết O. còn có các biểu hiện lo âu, tự ti và có dấu hiệu bị
trầm cảm. Từ Quảng Ninh,
gia đình đã đưa O. lên điều trị hàng tháng tại Bệnh viện Nhi trung ương nhưng bệnh đau đầu không thuyên giảm. Khi được chuyển qua Phòng khám và
tư vấn cho trẻ vị thành niên, các bác sĩ và chuyên gia
tâm lý đã tìm hiểu và được biết nguyên nhân là do O. thường xuyên lo lắng vì… quá cô đơn do cha mẹ không quan tâm gì đến mình.
Theo bác sĩ Đỗ Minh Loan, phụ trách phòng khám, mặc dù mới thành lập được hơn ba tháng nhưng hầu như buổi khám nào (mỗi tuần phòng khám chỉ làm việc hai buổi) cũng có trẻ vị thành niên gặp các vấn đề như trên đến để được thăm khám và
tư vấn.
Tại đây, các bác sĩ đã gặp những trường hợp trẻ tự dưng học tập sút kém, nguyên nhân là do mâu thuẫn với mẹ, mẹ thấy con gái (14 tuổi) ngang bướng nên chán nản bỏ mặc con. Có em học lực trung bình nhưng
gia đình lại quá kỳ vọng ở em, bắt học nhiều, dẫn đến trẻ thường xuyên bị căng thẳng, đau đầu và có ý muốn tự tử...
Rủ rỉ cùng con
Theo bác sĩ Loan, trong những trường hợp đó, các bác sĩ thường
tư vấn cho
gia đình cách khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ trong học tập và cuộc sống, tạo cho trẻ những kỳ nghỉ để trẻ có thể thư giãn... Khi trẻ gặp vấn đề về
tâm lý,
gia đình cần dành thời gian tìm hiểu hoặc đưa con đến gặp chuyên gia. Nhưng “nút gỡ” quan trọng là ở
gia đình, đặc biệt là vai trò của người mẹ trong việc làm bạn cùng con, giải đáp cho con những thắc mắc của tuổi mới lớn.
Khi bước vào tuổi dậy thì, các em sẽ có rất nhiều thay đổi: cao lên, nặng lên, em gái có kinh nguyệt, em trai có hiện tượng xuất tinh... Rồi những hiện tượng “đặc biệt” như có em gái 16-17 tuổi rồi mà ngực rất nhỏ, có em trai lại hay có những thắc mắc về kích cỡ của “cái ấy”... “Rất nhiều em đến đây đặt các câu hỏi ngây ngô, có em lo sợ mình mắc bệnh gì đến mất ăn mất ngủ khi có... kinh nguyệt” - bác sĩ Loan nói.
Theo bác sĩ, đó là những vấn đề mà nếu những người làm cha, làm mẹ ngoài việc tạo một cuộc sống
gia đình hạnh phúc, nếu biết cách hướng dẫn và chăm sóc các con, làm bạn tâm sự cùng các em, mọi việc sẽ không còn nghiêm trọng. Nhất là với
phụ nữ, lời khuyên được đưa ra là bạn hãy rủ rỉ với con gái của bạn càng nhiều càng tốt, như thế sẽ làm các em mở lòng tâm sự, vừa giải đáp được các thắc mắc, vừa tránh được cho các em bị
trầm cảm trong “hội chứng cô đơn”.
(Theo :bao Tuoitre)
------------------------------
------------------------------