Trầm cảm là bệnh của sức khoẻ tâm thần, do những rối loạn, sang chấn tinh thần gây nên. Có ít nhất 5 trong số 10 triệu chứng sau đây cùng xuất hiện liên tục trong 2 tuần thì bị coi là trầm cảm:
- Trạng thái trầm buồn, chán nản mọi thứ, lo âu và thấy “trống rỗng”.
- Mệt mỏi, mất năng lượng.
- Sự quan tâm, thích thú đến những vật, những công việc, hoạt động yêu thích trước đây giảm đi rõ rệt.
- Không thích giao tiếp, không cảm thấy tin tưởng vào bất cứ ai.
- Rối loạn lưỡng cực: lúc vui,
kích thích hưng phấn quá độ, lúc buồn, tuyệt vọng cực độ, vô vọng, bi quan.
- Kém tập trung, khả năng suy nghĩ, chú ý gần như không có.
- Tự thấy giảm hoặc mất giá trị của bản thân, nghĩa là thấy mình hoàn toàn vô dụng. Có khi cảm thấy tội lỗi quá mức, thậm chí hoang tưởng về lỗi lầm của mình.
- Chán ăn, giảm cân nhanh chóng hoặc ngược lại, luôn thấy thèm ăn, ăn uống vô độ, không kiềm chế, dẫn đến tăng cân đột ngột.
- Mất ngủ triền miên hoặc ngủ li bì.
- Có ý định tự sát hoặc nghĩ đến cái chết tái diễn nhiều lần.
Điều đáng ngại nhất với bệnh nhân trầm cảm là gì, thưa bác sĩ?
Đó là sự thiếu quan tâm, thờ ơ và không hiểu biết của những người xung quanh. Trầm cảm thậm chí còn được xếp vào các bệnh xã hội do người bệnh thường chống đối, phủ nhận, không coi mình bị bệnh. Nếu lúc đó, bạn bè, người thân, những người sống xung quanh không biết để theo dõi sát, động viên đi khám, điều trị thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nhẹ thì người bệnh không thiết gì, giảm hay mất khả năng làm việc, học tập. Nặng hơn thì ảnh hưởng lớn đến người thân, cộng đồng, tuỳ vào vị trí của người bệnh trong
gia đình và xã hội. Hậu quả lớn nhất của trầm cảm là gây chết người (trong trường hợp người mẹ sau sinh bị trầm cảm, lơ đãng có thể khiến con gặp tai nạn đáng tiếc); hoặc người bệnh tự sát.
Người bị trầm cảm có thể tự phục hồi được không?
Những người trong
gia đình, đồng nghiệp cùng cơ quan, bà con xóm giềng phải luôn ở bên người bệnh, tạo môi trường, cơ hội để người bệnh tham gia các hoạt động chung, tạo dần hứng thú vào một việc cụ thể nào đó.
Cũng phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu để loại trừ, đồng thời khích lệ người bệnh cảm thấy tự tin hơn vào bản thân. Và phải động viên người bệnh đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được uống thuốc và được dùng các liệu pháp
tâm lý để chữa trị.
Ngoài ra, phải lưu ý không được cho người bệnh tự sử dụng phương tiện giao thông, không để người bệnh ngủ một mình trong phòng, không để
phụ nữ sau sinh bị trầm cảm ở một mình với con. Nếu được như vậy, người bệnh có thể tự phục hồi.
Xin cảm ơn bác sĩ!