Theo những nghiên cứu gần đây cho thấy 15% dân số thế giới, vào một lúc nào đó có những biểu hiện của rối nhiễu lo hãi. Ở Mỹ, có tới 12,5% số người rơi vào một hình thái ám sợ nào đó tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình.
Ở Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ về số người có rối nhiễu tâm lý nói chung và rối nhiễu ám sợ nói riêng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế tại một số phòng khám tâm lý ở Hà Nội, rối nhiễu ám sợ chiếm khoảng 1% trong số trẻ em có rối nhiễu được đưa đến khám và điều trị tâm lý.Trong xã hội hiện đại, tỷ lệ người bị rối nhiễu tâm lý nói chung và rối nhiễu ám sợ nói riêng có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt ở trẻ em.
Rối nhiễu ám sợ là sự sợ hãi mang tính chất phi lý và quá mức trước một đối tượng, một hoạt động hoặc một tình huống gây sợ. Người bị bệnh luôn tìm cách né tránh, dù họ nhận thức được tính chất phi lý của vấn đề. Điều này kéo dài dai dẳng làm cản trở cuộc sống của họ và gây khó chịu cho những người xung quanh. Có nhiều loại ám sợ như ám sợ khoảng trống (cầu thang máy...), ám sợ xã hội (các tình huống xã hội, đám đông, trường học...), ám sợ đặc hiệu (sợ côn trùng, các con vật...).
Xin nêu một trường hợp ám sợ trường học ở trẻ em như sau:
Cháu T.H. nam, 9 tuổi, học lớp 3, Hà nội. Từ khi đi học, cháu vốn là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng có một lần cô giáo gọi cháu lên bảng kiểm tra bài cũ. Vì không thuộc bài, cháu bị cô giáo mắng trước lớp và cho điểm 0. Những lần sau, mỗi khi cô giáo gọi lên bảng cháu có hiện tượng chân tay run, miệng cứng lại, méo xệc, lắp bắp, lứu lưỡi không thể nói được, kể cả khi cháu đã học thuộc bài. Các bạn trong lớp cười ồ lên và gọi cháu là "thằng tâm thần". Cháu không dám đi học, vì sợ bị cô giáo gọi lên bảng, nên nhiều lần đã nói dối bố mẹ rằng mình bị ốm để được nghỉ học. Tình trạng này kéo dài, kết quả học tập giảm sút. Bố mẹ đã đưa cháu đi khám thần kinh nhưng không tìm thấy nguyên nhân thực thể của bệnh. Từ đó, họ luôn nghĩ rằng cháu bị ma ám nên đã đi cúng bái nhiều nơi. Nhưng bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng cháu được đưa đến khám và điều trị tâm lý.
Cháu có chỉ số thông minh khá cao (IQ = 125). Điều đó cho thấy cháu hoàn toàn có khả năng để đạt kết tốt trong quả học tập. Nhưng cháu lại là một đứa trẻ có xu hướng nhân cách hướng nội trội, yếu đuối, dễ xúc động, hay lo lắng, trầm trọng hóa vấn đề và đặc biệt là loại hình thần kinh rất không ổn định. Theo các nhà nghiên cứu, những người có dạng nhân cách này có nguy cơ rối nhiễu cao khi có những tình huống gây chấn thương tâm lý. Qua những trắc nghiệm đánh giá và xác định nguyên nhân của rỗi nhiễu, cho thấy T.H. đã bị mắc chứng rối nhiễu ám sợ mà cụ thể là ám sợ trường học.
Sau hai tháng điều trị tâm lý, triệu chứng rối nhiễu ở cháu đã hoàn toàn biến mất. Cháu đã trở lại đi học bình thường.
Đây là một trường hợp trẻ rối nhiễu ám sợ trường học. Bản chất của rối nhiễu thực chất là sự kém thích nghi trong các mối quan hệ và học tập. Nguyên nhân chủ yếu là những yếu tố từ trường học. Tuy vậy, cũng không bỏ qua yếu tố gia đình và kiểu nhân cách của trẻ trong trường hợp này.
Hiện nay, các bậc bố mẹ vẫn còn rất lúng túng khi con có những hiện tượng bất thường như trường hợp trên. Do vậy, khi con em mình có những triệu chứng khác thường như đau bụng, đau đầu, đau ngực, đái dầm, cắn móng tay... sau khi đi khám y học không phát hiện thấy bệnh gì, các bậc phụ huynh và giáo viên cần đưa trẻ đi khám và điều trị tâm lý. Chỉ có điều trị tâm lý thì những rối nhiễu này mới được điều trị tận gốc. Tuy nhiên, cũng cần phải thay đổi cách ứng xử của cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh – mà có thể là nguyên nhân phát sinh và điều kiện đang duy trì rối nhiễu của đứa trẻ. Bởi vì, nếu đứa trẻ được điều trị tâm lý mà môi trường sống vẫn không thay đổi thì triệu chứng bệnh khó mà khỏi được. Thậm chí khi bệnh đã khỏi rồi, đứa trẻ quay trở về với môi trường sống như cũ chẳng hạn bố mẹ quá cưng chiều, hay phân biệt đối xử... thầy cô giáo không hiểu tâm lý học sinh, vẫn mắng nhiếc hoặc phê bình trước mặt bạn bè, hay bạn bè vẫn trêu trọc... thì chắc chắn rối nhiễu sẽ tái phát trở lại.
Nguyễn Thị Quế