Trên đây là những lời mô tả thường gặp ở những bệnh nhân bị chứng rối loạn ám sợ (RLAS), một nhóm triệu chứng do một đối tượng hay hoàn cảnh gây sợ gây ra. RLAS là thể bệnh thường gặp nhất của rối loạn lo âu và cũng là rối loạn tâm thần thường gặp nhất tại nước ngoài. Tại Mỹ có khoảng 11% dân số từ 18 tuổi trở lên bị bệnh này trong một năm bất kỳ.
Thấy vô lý, nhưng vẫn sợ!
RLAS được định nghĩa là toàn bộ các phản ứng tâm lý và cơ thể do một đối tượng hay hoàn cảnh gây sợ gây ra. Dennis Bergkamp, cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Hà Lan đang chơi cho CLB Anh Arsenal, sợ đi máy bay là một ví dụ về RLAS. Bệnh làm giảm hiệu suất trong công việc và các mối quan hệ xã hội (do bệnh nhân sợ hãi và tránh né các hoàn cảnh có thể gây ra phản ứng sợ hãi như không dám đi máy bay, xe bus, không dám bước vào thang máy...).
Triệu chứng thường gặp của RLAS là bệnh nhân bất thình lình cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm khi đang ở trong một tình huống thực sự vô hại, cho dù nhận thức rằng nỗi sợ hãi này là quá mức và vô lý; kèm theo đó là các phản ứng cơ thể như nhịp tim nhanh, thở hụt hơi hoặc cảm giác nghẹt thở, run rẩy, toát mồ hôi, buồn nôn, cảm giác khó chịu trong bụng, chóng mặt...
Ba thể bệnh ám sợ
- Ám sợ khoảng rộng: Là sự sợ hãi khi phải ở một mình trong bất kỳ một tình huống hoặc nơi chốn nào mà bệnh nhân nghĩ rằng sẽ khó thoát ra hoặc khó nhận được sự giúp đỡ trong trường hợp chẳng may gặp khó khăn. Bệnh nhân thường tránh né những con đường hoặc nơi chốn đông người như cửa hàng, rạp hát... Do điều này mà bệnh nhân gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống hằng ngày. 2/3 bệnh nhân thể này là phụ nữ, bệnh thường khởi phát từ 18 đến 35 tuổi.
- Ám sợ xã hội: Là nỗi sợ hãi và hành vi tránh né một cách vô lý các tình huống mà hoạt động của bệnh nhân có thể bị người khác quan sát. Bệnh nhân sợ rằng khi làm một điều gì đó, dù là tầm thường trước mặt người khác (thí dụ ký ngân phiếu, uống cà phê, ăn trưa...) thì sẽ bị quan sát, bình phẩm hoặc bị làm cho hổ thẹn. Thường gặp nhất là sợ phát biểu trước đám đông. Tỉ lệ nam hay nữ mắc thể bệnh này ngang nhau và bệnh thường bộc phát trong giai đoạn thanh thiếu niên.
- Ám sợ chuyên biệt: Là sự sợ hãi vô lý một đối tượng cụ thể nào đó. Thường gặp nhất là sợ thú vật, đặc biệt là chó, rắn, côn trùng và chuột. Một số ám sợ chuyên biệt khác là sợ những không gian đóng kín (như xe bus, thang máy, đường hầm...), sợ độ cao. Phần lớn ám sợ chuyên biệt xuất hiện trong thời thơ ấu và biến mất khi trưởng thành. Nếu bệnh vẫn còn tồn tại sau khi trưởng thành thì cần phải điều trị. Thể bệnh này cũng thường gặp ở nữ hơn nam.
Điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn
Thông thường thầy thuốc phối hợp 2 phương pháp: thuốc và tâm lý điều trị. Về thuốc có thể sử dụng các loại thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm. Về tâm lý điều trị, thường áp dụng các hình thức tâm lý điều trị hành vi (cho bệnh nhân tiếp xúc với đối tượng hay hoàn cảnh gây sợ) và điều trị nhận thức (điều chỉnh các suy nghĩ sai lầm của bệnh nhân).