"Hôm nay, cô giáo Ethik đã gặp bọn con, cô ấy xin lỗi đã không làm đúng lời hứa ban đầu". Người lớn xin lỗi người... bé hơn. Đó là chuyện thường ngày ở... Đức.
Một ông thủ tướng đương nhiệm, bị chụp ảnh đưa lên báo chí phê phán gay gắt, chỉ vì ông ta chạy xe quá tốc độ trên đường cao tốc; hay chuyện một ông bộ trưởng Quốc phòng, có con đường "hoạn lộ“ đang phất như diều, bỗng nhiên bị đưa lên mặt báo và sau đó bị mất chức, chỉ vì người ta phát hiện ra trong luận án tiến sĩ luật của ông ta cách đây vài năm, có nhiều đoạn bị cho là "đạo văn“ .v.v... Đối với dân Đức là "chuyện ngày thường ở huyện“.
Người dân Đức và báo chí Đức "dám“ làm những chuyện như vậy, vì họ thực sự "sống và làm việc theo pháp luật“. Đồng thời họ sống trong một môi trường dân chủ thực sự, mà môi trường ấy đã được thực hiện ngay từ trong trường học.
Chuyện ở trường
Ở Đức, khi học sinh đã được tuyển vào các trường "chuyên" (Gymnasium) thì chỉ cần tham dự một kì thi hết cấp PTTH (Abitur). Trên cơ sơ điểm thi này và kết quả học tập của hai năm 11 & 12, sẽ được xét tuyển vào các trường đại học. Bắt đầu từ lớp 11 mỗi học sinh phải tích lũy (sammeln) số điểm (Punkt) của tất cả các môn học (kể cả các môn mà ở Việt Nam gọi là môn phụ như: thể dục…) cho đến thời điểm trước khi thi hết PTTH.
Việc tích lũy này rất quan trọng, vì:
1. Nó là yếu tố để xét xem học sinh đó có đủ điểm để tham dự kì thi PTTH không? Nếu chỉ thiếu dù chỉ 1 Punkt so với số điểm qui định của Bộ giáo dục thì học sinh đó không được dự thi.
2. Số điểm tích lũy được và kết quả kì thi PTTH (Abitur) càng cao thì càng dễ được nhận vào các trường đại học "danh giá" và theo đúng ngành mình lựa chọn.
Chính vì thế mà mỗi học sinh đều cố gắng tích lũy điểm càng nhiều càng tốt.
Và chuyện thằng con nhà tôi
Xin kể câu chuyện con tôi, "ngõ hầu" minh chứng thêm cho điều này.
Hôm rồi, thằng con tôi đi học về, nhìn nó thấy nó có vẻ rất bức xúc chứ không vui vẻ như mọi khi. Bà xã nhìn tôi đầy lo lắng. Tôi hỏi: "Có chuyện gì ở trường vậy?". Nó nói: "Cô giáo lừa dối bọn con, ba ạ. Không thể được, bọn con phải làm cho rõ". Tôi gặng hỏi: "Có chuyện gì thì phải nói rõ cho ba mẹ nghe chứ?". Nó liền kể:
Vừa rồi, con và hai đứa bạn được giao làm một bài thuyết trình về môn "Đạo đức học" (Ethik, hình như ở ta là Giáo dục công dân). Cô giáo chấm và cho cả bài thuyết trình một tổng số điểm là 36 Punkte, và cho phép 3 đứa tự chia điểm.
Sau khi trao đổi, chúng con chia điểm như sau: thằng Alex có công đóng góp nhiều nhất nên Alex được nhận 14 Punkte, hai đứa còn lại đóng góp như nhau nên mỗi đứa nhận 11 Punkt. Sau khi nộp cho cô giáo thì cô lại nói: "Theo cô, đây là công sức chung của cả nhóm, nên cô quyết định chia đều cho mỗi em 12 Punkte".
Thấy thế cả 3 đứa đã hỏi cô: "Chính cô cho phép bọn em tự chia điểm theo công sức của từng đứa, bây giờ cô lại không đồng ý cách chia điểm của bọn em, thế là thế nào?". Cô giáo trả lời: "Lúc đầu tôi định thế, nhưng sau quyết định lại, các em phải chấp hành". Cả 3 chúng con nghệt ra vì từ bé đến giờ chưa bị thầy cô giáo hành xử như vậy.
Kể xong, thằng con tôi nói thêm: "Bọn con quyết định ngày mai sẽ gặp thầy chủ nhiệm để đề nghị thầy can thiệp, nếu thầy không giải quyết bọn con sẽ lên gặp cô hiệu trưởng".
Chưa biết nên khuyên thằng con như thế nào thì bà xã đã vội lên tiếng: "Từ từ đã con, ở trường thầy cô giáo là vua, họ nói gì con phải nghe theo. Các con phản ứng như vậy họ "trù" cho thì chết". (Đúng là vợ tôi sống ở Đức mấy chục năm trời mà vẫn không gột được lối suy nghĩ như khi còn ở Việt Nam, nên mới khuyên thằng con như vậy. Mà nó có hiểu nghĩa chữ "trù" là gì đâu!). Tôi chỉ nói với nó: "Con đã 18 tuổi rồi, con thấy đúng thì con làm".
Hôm sau, thằng con vừa về đến nhà, tôi hỏi ngay: "Chuyện hôm qua thế nào rồi?". Nó trả lời: "Bọn con đã gặp thầy chủ nhiệm và đề nghị thầy can thiệp. Thầy hứa là sẽ trao đổi với cô giáo dạy môn Ethik".
Hôm sau nữa, vừa về đến nhà, mặt tươi hơn hớn, thằng con khoe ngay: "Được rồi ba ạ. Hôm nay, cô giáo Ethik đã gặp bọn con, cô ấy xin lỗi đã không làm đúng lời hứa ban đầu. Cô đồng ý với cách chia điểm của bọn con". Thấy nó vui nhưng tôi vẫn lo, hỏi lại: "Thế thái độ cô ấy thế nào?". "Sau đấy cô ấy còn cười nói với bọn con mà", nó trả lời.
Và mới hôm qua, nó đưa tôi xem bài thuyết trình cô giáo trả lại với số điểm của nó là 11. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Leipzig, 20/04/2011
Theo Afamily
Bài mới hơn: |