Nghĩ là làm, chị Lan lên mạng, dò tìm các món ăn cung cấp nhiều dưỡng chất cho trẻ trong mùa thi, đảm bảo thêm tiêu chí mát cho mùa hè. Chỉ cần nhìn qua “lịch” ăn một ngày của bé Tùng, người lớn cũng muốn... ngất xỉu. “Sáng: 2 quả trứng vịt lộn, 1 bát bún bò; trưa: ngoài ăn các món thông thường, kèm thêm một bát canh bí đỏ hầm xương; tối: ăn các món thông thường, và 5 lạng gà hầm; đêm: bánh mì kẹp thịt và sữa...”. Nhiều bà mẹ lo lắng tẩm bổ cho con mùa thi
Bị mẹ ép ăn quá nhiều, bữa nào cu Tùng cũng chỉ ngồi gẩy vài miếng, rồi đẩy thức ăn đi không chịu ăn tiếp. Thấy con không chịu ăn chị Lan lại càng lo lắng, đút cho con ăn đến khi nào hết tiêu chuẩn mới thôi. Chị tâm sự: “Mẹ thì lo lắng như thế, cho con ăn cho có sức khỏe mà học thi, thì đằng này thằng bé bữa nào cũng khóc tỉ tê. Có phải còn bé đâu mà mẹ cứ phải đút cho ăn, nó cứ ăn uống thế này người lại xanh rớt ra, vợ chồng tôi lại thêm lo lắng”.
Chỉ sau một tuần thực hiện chế độ ăn uống theo lịch của mẹ, mà cu Tùng đã sút hơn 1kg, đưa con đi khám vợ chồng chị nhận được kết luận của bác sĩ: ép con ăn quá nhiều thứ gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
vợ chồng anh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có cô con gái đang ôn thi vào trường chuyên. Cả nhà lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, hàng ngày anh Hưng được phân công đưa đón con đi học chính, học thêm, vợ anh - chị Mai được phân công lo việc bếp núc, bồi bổ để con gái có sức mà học. Ai nấy đều quyết tâm dốc toàn lực để cô con gái có thể thi đỗ vào trường chuyên cả nhà mong muốn.
Cứ nghe người ta mách là ăn món gì bổ, chị lại lặn lội ra chợ, mua về nấu rồi bắt con gái ăn ngay để mong con khỏe hơn. Con bé vốn mảnh khảnh, lười ăn, giờ lại miệt mài học, trông xanh xao, làm mẹ ai chả xót. Thế nên chị Mai lại càng ép con ăn thật nhiều.
Hết mua cua bể nấu miến, hấp xôi, lại quay sang ba ba, tôm, ngao, phở, bún, mì cháo đủ cả. Gian bếp nhà chị giống như một bếp ăn của nhà hàng lớn, lúc nào tủ lạnh cũng chất đầy đồ ăn và bếp sẵn sàng nổi lửa bất cứ lúc nào. Ép con ăn sẽ dẫn đến việc trẻ biếng ăn, sợ ăn
Chị tìm hiểu các món ăn bồi bổ cho não, và được biết món bí đỏ rất thích hợp cho các sĩ tử mùa thi. Ngày nào cũng vậy, sau khi ăn cơm xong con gái chị phải ăn một bát canh bí đỏ. Ăn nhiều bí đỏ đến phát ngán, nhưng bữa nào thấy con gái phụng phịu không ăn, chị đều quát mắng. Đến đêm, khi con thức muộn ôn thi, chị phải thức căn đúng giờ lấy sữa, lấy hoa quả, đồ ăn lót dạ cho con khỏi đói.
“Con gái tôi lười ăn lắm, nên mỗi lần cho nó ăn là tôi phải đứng canh, có mẹ thúc giục nó mới chịu ăn hết, chứ không thì lại bỏ thừa. Học đêm thế này lấy sức đâu ra”.
Liên tục trong một thời gian ngắn khi ôn thi, con gái chị đã tăng lên 4 cân vì chế độ bồi bổ dày đặc của mẹ. Cô con gái nhăn nhó vì thân hình ngày càng “phì nhiêu” trông thấy, còn chị Mai thì tâm đắc tự hào vì mình có chế độ chăm con mùa thi quá chuẩn.
Bé Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) là cô bé lớp trưởng chăm chỉ và học giỏi. Những ngày ôn thi cuối kỳ, tối nào Hải Anh cũng thức tới muộn mới ngủ. Lo sợ con đói, tối nào chị Lan - mẹ bé cũng đồng hành thức cùng con. Thương con, chị làm đủ các món ăn tẩm bổ cho con học đêm. Mỗi tối nhìn thấy mẹ bê bát cháo lên là Hải Anh lại chạy lên giường trùm chăn kêu buồn ngủ. Biết con gái không muốn ăn, nhưng canh cánh nỗi lo con đói, nên chị Lan quyết ngồi chờ cho tới khi cô con gái tỉnh dậy và ăn xong bát cháo mới thôi.
Nhiều ông bố, bà mẹ thường có suy nghĩ chăm lo bữa ăn chu đáo để con có sức học thi, tuy nhiên việc chăm sóc như thế nào cho đúng, khoa học và không khiến trẻ cảm thấy chán, thấy sợ ăn là điều các bậc phụ huynh nên lưu ý.
Theo Afamily