Mới đây, dư luận Singapore xôn xao trước bức ảnh chụp cảnh một quý tử nhà giàu thong dong đi bộ. Phía sau, chị giúp viêc ì ạch xách tư trang “theo hầu”.
Rạn xương vì... cõng cháu
Chỉ là một bức ảnh nhưng câu chuyện đằng sau đó đã khiến nhiều người phải lo ngại. “Trẻ con ngày nay thật lười biếng. Chúng sẽ lớn lên với một cái nhìn méo mó về thực tế bởi người giúp việc đã làm hết mọi thứ cho chúng”, một người cha bức xúc nói.
Một phụ huynh khác thì thú nhận đúng là ở gia đình chị, do có 2 người giúp việc phục dịch nên con trai chị đã lớn rồi mà vẫn không biết dùng ấm để đun... nước nóng. Câu chuyện trên xảy ra ở tận Singapore nhưng cũng khiến các phụ huynh Việt Nam chột dạ vì giống với hoàn cảnh gia đình mình quá.
Chị Minh Ngọc, phó giám đốc 1 công ty, kể, con gái chị đã 18 tuổi nhưng không được “tích sự” gì ngoài việc học. Ai đời bằng sào bằng gậy nhưng tất cả mọi sinh hoạt đều phải có bố mẹ lo lắng cho.
Sáng sáng, mẹ phải gọi dậy đi học. Mẹ không gọi là coi như hôm đấy con... ngủ quên luôn. Bữa ăn sáng đã được người giúp việc chuẩn bị, con chỉ việc ăn xong là lại có bố xách cặp ra tận cửa.
Từ nhỏ sống ở Hà Nội nhưng con chị không biết một đường phố nào vì từ học chính, học phụ đều có do bố mẹ đưa rước, rồi chầu chực đón về. Tới bữa ăn, bố mẹ cho ăn gì thì ăn cái đó.
Tối đến, nếu con chị học khuya đói bụng, người giúp việc đã đi ngủ, thì cũng đành... nhịn, dù trong tủ lạnh đầy thực phẩm dự trữ.
Chị Thúy Hường, hiệu trưởng một trường mầm non, cho biết nhiều gia đình giờ đây chiều con lắm. Quy định của trường là 8h đóng cổng nhưng 9h mới có mẹ thong dong đưa con đến. Hỏi thì người mẹ bẽn lẽn đáp: “Sáng cháu ngủ muộn, em không dám gọi dậy sớm, sợ con mệt”.
Có cháu trai 6 tuổi, sắp vào lớp 1, nặng tới 25kg nhưng vẫn bắt bà phãi cõng trên lưng đi từ trên tầng 3 xuống. Lưng bà thì còng, gầy gò còn cháu thì to khỏe, đón được cháu về cũng bở hơi tai.
Có hôm, cháu nghịch ngợm, nhảy nhót trên lưng bà khiến bà ngã kềnh, rạn cả xương chân. Ở trường, khi không có bố mẹ, các con nghe lời răm rắp, biết tự đi vệ sinh, tự xúc cơm ăn, rồi tự cất dọn đồ chơi.
Nhưng, hễ gặp bố mẹ là chúng khác hẳn. Nhiều lần chị phải nhắc cha mẹ hãy để con tự đi dép, tự đội mũ và tự... đi bộ ra cổng thay vì phải bế ẵm và được phục dịch tới tận chân răng. “Những đứa trẻ từ bé đã sớm được nuông chiều khi lớn lên sẽ khó trở thành những con người vững chãi”, chị Hường kết luận.
Thay vì “nâng như nâng trứng”
Nhân bàn đến việc dạy con, lại nhắc đến câu chuyện về em bé Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực từng rất “nổi tiếng” trên các báo Việt Nam thời quan qua.
Em bé là học sinh lớp 4, trường quốc tế Singapore, Hà Nội đã cùng cha thực hiện chuyến bay qua Narita (Nhật Bản) đến Dallas (Mỹ) rồi lại sang Buenos Aires (Argentina) để bắt đầu chuyến du hành đến Nam Cực.
Chuyến đi đầy thử thách vì thời tiết Nam Cực rất khắc nghiệt, nhiều người đã lo ngại em bé sẽ không an toàn. Có người đặt câu hỏi “Đi Nam Cực khổ lại tốn tiền, sao không ở thành phố hưởng thụ cho sướng nhỉ?”.
Câu trả lời của cha em bé là: “Tôi muốn con trưởng thành và những chuyến đi thực tế sẽ giúp cháu lớn khôn. Hơn 10 tuổi nhưng cháu đã “đi học kinh nghiệm” ở khá nhiều nước khác nhau”.
Không phải gia đình nào cũng có nhiều tiền để cho con “trải nghiệm cuộc sống” theo cách có một không hai như vậy nhưng điều đó cho thấy, người cha rất chủ động giúp con trưởng thành thay vì nuông chiều con trong nhung lụa, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Không hiếm gia đình, cũng nhiều tiền lắm của nhưng lại để con lao vào những trò vô bổ như nghiện hút hay đua xe tối ngày đấy thôi.
Nói về chuyện dạy con, nhiều người có dịp sang Nhật Bản đều rất ngạc nhiên khi thấy có những cháu nhỏ đi còn chưa vững nhưng trên vai đã đeo ba lô đựng quần áo của chính mình.
Có bé mới hơn 1 tuổi đã có thể tự tin ngồi ở bàn ăn, tự xúc ăn (dù vãi tung tóe) chứ không có cảnh bà đánh “tùng xoèng”, bố nhảy “disco”, mẹ thành diễn viên hài nịnh đủ kiểu để mong công tử ăn cho chút bột, chút cháo.
Chắc chắn, một đứa bé được phục vụ tới chân răng như vậy sẽ không thể tự chủ bằng một đứa bé từ nhỏ đã sống độc lập và biết phục vụ chính mình thay vì phải làm phiền và sống dựa vào người khác.
Theo Afamily