Dối như cuội
Chị Mai Chi (Q.Tân Bình, TP.HCM) rất ngạc nhiên khi vô tình nghe được câu chuyện mà Mai Ka - con gái của chị (tám tuổi) kể với bạn cùng lớp: “Bố của tớ là phi công. Kỳ nghỉ hè năm nào bố cũng đưa mẹ con tớ đến các nước trên thế giới. Nếu năm nay tớ mà đạt học sinh giỏi, bố tớ sẽ đưa hai mẹ con tớ sang nước Anh”. Sự thật không phải như thế. Chị Mai Chi lo lắng: “Bố Mai Ka đã bỏ rơi hai mẹ con tôi từ lúc cháu chưa đầy năm. Tôi luôn giữ hình ảnh đẹp nhất về anh ấy khi dạy cháu. Nhưng chưa bao giờ tôi nói cho cháu biết nghề nghiệp cụ thể của anh ấy. Vậy mà cháu đã nói dối với bạn của mình. Bây giờ còn nhỏ mà cháu đã biết nói dối, sau này lớn, không biết ra sao. Tại sao con gái tôi lại nói dối?”.
Anh Mạnh (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng phàn nàn về chuyện con trai Anh Tuấn (10 tuổi), rất hay nói dối. Ngày nào cháu cũng bịa ra một chuyện gì đó để nói dối mọi người. Khi không muốn ăn sáng thì cháu kêu là đau bụng; khi chuẩn bị đến trường thì khuôn mặt cháu đang vui vẻ bỗng chuyển sang nhăn nhó vì “đau đầu”. Tìm hiểu nguyên nhân, vợ chồng anh biết được rằng, vì không muốn đến lớp nên cháu thường "sáng tác" bệnh này bệnh kia để được ở nhà. Có những lần khi vừa đưa cháu đến trường, cháu lại nói dối là quên vở ở nhà. Kiểm tra vẫn thấy quyển vở có trong cặp, hỏi lại thì cháu cười trừ. Có lần cả nhà tá hỏa vì cháu gọi điện thông báo với ba mẹ (khi đang đi công tác) là bà nội ở nhà đi chợ bị tai nạn ô tô. Mọi người hốt hoảng bỏ dở mọi việc chạy về nhà thì bà nội vẫn yên lành, không có chuyện gì xảy ra.
Vì sao trẻ nói dối?
Trẻ nói dối đôi khi chỉ để thỏa mãn sự mong ước hay ham muốn của bản thân, nhất là khi các em bị thiếu hụt về mặt tinh thần. Các bé như trường hợp Mai Ka nói dối chỉ để che đậy và bù đắp khoảng trống về tình yêu thương của người cha mà em hằng ao ước. Trước tình huống này, chị Mai Chi không nên phản ứng quá mạnh mẽ, càng không nên chỉ trích nặng nề đối với cháu. Vì như thế, sẽ càng xoáy sâu vào nỗi đau trong lòng cháu. Cháu Mai Ka rất cần được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ tế nhị, khéo léo để cháu không bị hẫng hụt. Đồng thời, hãy hình thành ở Mai Ka tính tự tin, độc lập, để cháu hòa đồng với mọi người. Có như thế, cháu mới có thể khắc phục được thói quen nói dối vô hại của mình.
Theo chẩn đoán lâm sàng và qua trao đổi với vợ chồng anh Mạnh, các chuyên gia tâm lý cho biết, trường hợp nói dối như cháu Anh Tuấn đã trở thành bệnh lý. Như nhiều đứa trẻ khác, lúc đầu Anh Tuấn nói dối chỉ để tránh bị trách phạt khi làm điều sai trái. Khi không thích ăn cơm hay học bài trẻ lại kêu đau đầu hay bị bệnh này, bệnh kia để trốn tránh. Hoặc chỉ vì bé thích được cả nhà quan tâm, chú ý đến mình. Tuy nhiên, người lớn cần khéo léo ngăn chặn thói quen không tốt này ở trẻ. Vì bản thân trẻ chưa ý thức được các mức độ nguy hiểm khác nhau từ hậu quả của việc nói dối.
Cách ngăn chặn
Có những đứa trẻ dựng chuyện rất khéo, khiến người lớn không biết đâu là thật, đâu là giả. Trẻ phóng đại sự thật lên rồi kể cho mọi người nghe để tạo sự quan tâm. Có bé nói dối vì thấy người lớn hay làm thế. Thậm chí có bé, nói dối là để thỏa lòng mong ước của mình.
Thay vì đe dọa, cha mẹ hãy khéo léo nhắc nhở và làm gương. Khi phát hiện trẻ nói không đúng sự thật, cha mẹ không nên giận dữ, quát tháo ầm ĩ và dọa nạt mà nghiêm khắc hỏi trẻ: “Con đã nói đúng chưa?”. Tìm hiểu nguyên nhân để giải tỏa tâm lý căng thẳng cho trẻ. Vì trẻ rất sợ khi bị người lớn phát hiện ra mình nói dối. Bằng mọi cách khác nhau hãy giúp trẻ thấy nói dối là không tốt và không có lý do nào hợp lý để biện minh cho việc nói dối của mình. Khi trẻ nói thật hãy khuyến khích, động viên bằng những lời khen ngợi. Bạn hãy chứng minh cho bé thấy nói sự thật bao giờ cũng là tốt nhất và dễ nhất.
Liệu pháp hiệu quả nhất để trẻ không nói dối là người lớn phải là tấm gương tốt cho trẻ noi theo.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học)