Mẹ bới cho tôi và em mỗi đứa một tô cơm ăn trước, còn mẹ thì im lặng ngồi đợi ba. Mẹ đi tới đi lui, mặt mày nhăn nhó, giận dữ. 10g, nghe tiếng xe ba ngoài cửa, sắc mặt mẹ thay đổi hẳn, không còn nhăn nhó, mà tươi tỉnh, vui vẻ hẳn lên. Ba vừa mở cửa vào nhà, mẹ đã đon đả: “Anh kẹt công chuyện về trễ à? Anh thay đồ, tắm rửa trước đi, em hâm đồ ăn lại cho nóng rồi ăn”. Ba cũng ngọt ngào: “Anh xin lỗi, công việc lu bu quá, vừa xong là anh chạy ù về liền. Các con ăn cơm hết chưa? Em đợi anh có đói không?”. Tắm xong, ba và mẹ ngồi ăn cơm với nhau, nói chuyện tình tứ như một cặp vợ chồng son.
Nhìn màn kịch ấy mà tôi nổi hết da gà, bỏ lên phòng đi ngủ sớm cho khỏe. Từ cuối cấp II, đủ khôn lớn, tôi biết tỏng cái vẻ hạnh phúc của cha mẹ mình chỉ là giả tạo.
Để miêu tả về ba tôi, chỉ có thể dùng bốn chữ “ngoại tình thường trực”… Và như để tương xứng với ba tôi, bốn chữ của mẹ tôi là “ghen tuông thường trực”. Ba quen cô A, mẹ tôi cất công tìm hiểu, rình mò, theo dõi… để đánh ghen. Bị mẹ đánh ghen, ba tôi bỏ cô A tìm đến cô B. Mẹ đánh ghen cô B, ba quen cô C. Mọi chuyện cứ như vậy đến cô X, cô Y, cô Z… 21 năm hôn nhân của ba mẹ tôi cứ như một cuộc chơi rượt bắt.
Tuy nhiên, chuyện bồ bịch của ba, chuyện đánh ghen của mẹ đều diễn ra ở tận đẩu tận đâu ngoài đường. Cứ hễ bước vào nhà, cha và mẹ tôi ngay lập tức nhập vai một đôi vợ chồng hạnh phúc. Cha tôi trở thành một người chồng mẫu mực, hiền lành. Mẹ tôi thành một người vợ đảm đang, dịu dàng. Dù vừa đi chơi với tình nhân về, bước vào nhà cha tôi vẫn nói chuyện đầy ngọt ngào, yêu thương với vợ. Dù vừa đánh ghen về hay trong lòng đang tràn đầy hậm hực với ba, mẹ tôi vẫn dịu dàng, vẫn chiều chuộng ông hết mực. Ba mẹ tôi đang đóng một vở kịch hạnh phúc để mê hoặc người ngoài, mê hoặc con cái và mê hoặc cả chính bản thân hai người.
Sống trong một “gia đình sân khấu” như vậy, bao năm qua, tôi hết sức ngột ngạt. Cha mẹ tôi muốn giữ mái ấm gia đình, muốn không bị mất thể diện với bà con, với họ hàng? Chẳng lẽ cái thể diện quan trọng đến mức người ta có thể sống giả tạo hơn 20 năm? Hay cha mẹ tôi vì con cái, không muốn con mình bất hạnh? Tôi thì cứ nghĩ, thà để cha mẹ mình mỗi người một nơi còn hạnh phúc hơn cho tôi và cho cả ba mẹ.
Tôi biết, dù lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ nhưng hơn 20 năm qua, mẹ tôi là người đau khổ nhất. Còn ba tôi, sau những cuộc trăng hoa triền miên, không biết chừng nào ông mới cảm thấy mệt mỏi với vai diễn của mình? Riêng tôi, tôi chỉ mong vở kịch này sớm hạ màn, dẫu biết sẽ tan vỡ, sẽ đau khổ nhưng được sống thật, sống thoải mái mới là điều quan trọng nhất!
Minh Diệp