Giờ chơi của các bé mẫu giáo Bỉ
Có ba loại trường mẫu giáo: trường thuộc sở hữu của cộng đồng, trường công thuộc thành phố và trường của nhà thờ Công giáo (Catholic).
Tôi đăng ký cho con học trường mẫu giáo gần nhà nhất là ngôi trường của thành phố Antwerpen.
Thủ tục đăng ký rất đơn giản, chỉ cần mang theo hộ chiếu (vì cháu không có quốc tịch Bỉ) và viết vào tờ khai các thông tin cơ bản là con tôi được nhập học mà không mất một khoản lệ phí nào. Là con của một nghiên cứu sinh đang làm việc tại trường đại học Antwerpen, con tôi được chính phủ trợ cấp 85 euro/tháng cho đến khi nào cha cháu kết thúc công việc tại Bỉ.
Tôi hiểu rằng, hệ thống phúc lợi xã hội của Bỉ phải rất tốt thì mới có thể tổ chức một trường mẫu giáo đẩy đủ cơ sở vật chất, giáo viên tâm huyết với nghề và dạy giỏi, đồng thời không thu học phí từ người học như vậy.
Lương giáo viên mầm non khoảng 1.500 đến 2.000 euro/tháng (sau khi đã trừ thuế). Mức lương này là mức lương tối thiểu nhất của công chức ở Bỉ, đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ của giáo viên mà không phải đi làm thêm bất cứ việc gì khác.
Đã không phải đóng học phí, vào những dịp ngày nghỉ lễ, Noel, Tết dương lịch, các cháu mầm non còn được nhà trường tặng những đồ lưu niệm xinh xắn. Thậm chí, ngày của cha hay của mẹ, các cháu cũng có quà mang về tặng cha mẹ.
Tất cả những quà tặng đó, nhà trường đều phải mua từ ngân sách của mình. Tất nhiên, trong một năm học, nhà trường cũng tổ chức những buổi quyên góp theo kiểu: cha mẹ học sinh tới tặng nhà trường ít nhất 1 euro hoặc hơn tùy tâm và nhận lại món quà là tấm bưu thiếp do các cô giáo tự làm. Trường tổ chức hội chợ cho phụ huynh và học sinh tới ăn uống và trả tiền (nhưng tính ra giá vẫn rẻ hơn ở bên ngoài).
Phương pháp giáo dục dựa trên trò chơi
Đầu mỗi năm học, bao giờ trường cũng có buổi họp phụ huynh. Cô giáo phụ trách lớp sẽ thông báo cho biết chương trình dạy học của một năm.
Trường mẫu giáo cũng có ba lớp như ở Việt Nam: lớp mầm, lớp chồi và lớp lá.
Ở lớp mầm, các cháu bé học những kỹ năng rất cơ bản như xếp hàng, hát múa những bài đơn giản, học vẽ, tô màu, không học chữ.
Sang năm thứ hai, các cháu học đếm từ một đến mười, học phát âm chữ cái, học hát những bài khó hơn một chút, được chở đi chơi xa bằng xe buýt, vào rừng chơi, học vẽ sơn dầu.
Năm thứ ba, các cháu học bơi, làm quen một số chữ cái, học đếm đến 20 hoặc hơn, không bắt buộc, vẽ tranh, tô màu hoàn chỉnh một bức tranh.
Mỗi ngày tới trường đón con là một ngày lớp học trang trí khác, vì tất cả các tác phẩm làm được trong ngày của các cháu được các cô giáo treo ngay trước lớp học, cha mẹ có thể biết hôm nay các cháu học cái gì.
Biến mọi việc thành trò chơi
Tôi nhận thấy, cách giảng dạy của trường mẫu giáo ở Bỉ có một điểm rất hay là biến mọi công việc thành một trò chơi.
Điều này khiến cho giáo dục trở thành một công việc đơn giản và dễ tiếp thu hơn nhiều.
Tôi đã chứng kiến các cháu xếp hàng đi toalet, vừa đi vừa hát một bài hát có liên quan đến vệ sinh, các cháu bám đuôi nhau thành một đoàn tàu. Hoặc trước khi vào lớp, các cháu tiến đến cái bảng có hình các con vật, mỗi con vật tương ứng với một bạn trong lớp, nhận diện được con vật của mình và lật ra sau, sẽ thấy tấm ảnh chân dung của mình ở đó, như vậy, hôm đó cháu có mặt ở lớp. Cháu nào cũng thích trò này vì mỗi cháu được ‘xí phần” con vật mình yêu thích.
Theo chương trình dạy học của Bộ Giáo dục và đào tạo Vương quốc Bỉ, vùng nói tiếng Hà Lan, mục tiêu của giáo dục tiền học đường (bậc mẫu giáo) là phát triển khả năng nhận thức của trẻ, phát triển khả năng thể hiện bản thân, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo và độc lập theo cách thức trò chơi. Không có bài học chính thức nào cũng như không có bất cứ một đánh giá nào.
Sau hai năm cho con học tại một trường mẫu giáo ở Vương quốc Bỉ, mặc dù tiếng Hà Lan cháu mới nói được vài câu cơ bản, nhưng tôi nhận thấy, cháu hoàn toàn có thể hòa nhập được với các bạn trong lớp (như vậy điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các hoạt động chứ không phải ngôn ngữ).
Cháu có thể vẽ tranh, tô màu, nhận biết các màu sắc cơ bản, biết hát, nhảy múa, biết kỹ năng đi vào rừng, biết xếp hàng cùng các bạn leo lên xe buýt.
Vào ngày cha mẹ hàng năm, trường tổ chức cho các phụ huynh đến xem con mình biểu diễn, nếu như năm thứ nhất nhìn thấy cha mẹ ngồi ở dưới là khóc nhè thì đến năm thứ hai, cháu vẫn biểu diễn cùng các bạn một cách vui vẻ.
Cô giáo rất linh động khi giáo dục trẻ. Đứa trẻ nào có năng khiếu về mặt nào thì khuyến khích phát triển năng khiếu đó.
Chẳng hạn, con trai tôi có năng khiếu vẽ chứ không thích hát, cô cho cháu vẽ nhiều hơn ở lớp, thậm chí khi cháu vẽ bằng tay trái, cô cũng không ép phải chuyển sang tay phải. Mỗi tháng, cô đều đưa tôi một tập dày những “tác phẩm” cháu thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô như tô màu, trang trí bức tranh hoặc là những tác phẩm ngẫu hứng của cháu.
Vietnamnet
Theo afamily.vn