Lên chùa để “cai nghiện”
Trên các diễn đàn dành cho cha mẹ đang rộ lên những lời mời, chia sẻ kinh nghiệm hè này cho con lên chùa đi tu, học thiền ở chùa nào. Phần lớn các lý do cho con “đi tu” là vì con quá nghịch, con ham chơi điện tử, lười học, bố mẹ không dạy được.
Hai bố mẹ Bibi quyết định lên Thiền viện Trúc Lâm một chuyến để “khảo sát thực tế” trước khi đưa hai con trai (10, 12 tuổi) gửi lên đó: “Mấy tháng hè, để con ở nhà với cái tivi, máy tính chỉ xem hoạt hình và chơi điện tử thì mình lo lắm. Cho con về ông bà thì con cũng chúi mũi vào tivi, không khéo lại ra quán nét thì coi như mất con rồi”.
Mẹ bé Hổ còi thì lại muốn cho con đi tu để hòa nhập với thực tế và thiên nhiên: “Bé nhà mình rất hiếu động, ưa khám phá rất thích thiên nhiên. Chỉ tội là bé nghĩ cái gì cũng như trong ti vi và trong truyện. Bé đọc truyện rất nhiều, cả truyện tranh và truyện dài... nhưng cơ hội thực tế thì rất ít”.
Hầu hết, khi hết hạn tu trở về, các con không muốn rời xa nhau và mong đợi đến hè năm sau lại được sống như thế.
Kiểu tu hồn nhiên của con trẻ
Khi được hỏi, một tu sỹ 10 tuổi kể lại: “Mỗi lần ngồi thiền hay nghe giảng kinh Phật, cháu đều cầu Phật phù hộ làm sao để cháu có thể quên được trò "Đột kích". Cháu mê chơi đến mức không thèm ăn cơm, đến mức mẹ cháu phải khóc cơ mà. Trò "Đột kích" mới chú không biết được đâu, bây giờ, phiên bản mới, người ta thả cả yêu quái vào nữa, đánh "phê" lắm”.
Tu ở Thiền viện Trúc Lâm, các con ăn cơm chay, mặc quần áo thâm rộng thùng thình, ở trên "khu tập thể", được các thầy hướng dẫn đầy đủ những công việc mà trẻ em nông thôn thường xuyên làm như tự gấp chăn màn, quét nhà, nhổ cỏ, tập nấu cơm bằng bếp củi (dẫu ở đó có nồi cơm điện!), tự giặt quần áo (ở nhà các con chưa bao giờ biết giặt quần áo), bữa đến xếp hàng ngay ngắn, áo tu hành chỉnh tề, bưng bát đĩa của mình xuống núi ăn cơm trong nhà ăn tập thể.
Các con tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn. Cơm xong, lại nghe giáo huấn, rồi các con tự đi rửa bát (kể cả thầy trụ trì Thiền viện cũng tự rửa bát cho mình), rồi lại xếp hàng trở về khu vực sinh sống của mình. Hằng ngày, 2 bận đi xuống khu "Giáo đường" nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền.
Một cậu bé trai học lớp 11 (ở phố Nguyễn Lương Bằng – Hà Nội) rất nghịch ngợm, bố mẹ không dạy được, cô giáo cũng chịu thua đã lên thiền viện học. Hè năm ngoái, mẹ cu cậu quyết định cho con lên Thiền viện 1 tháng. Mới được hơn 1 tuần, con đã bảo với mẹ: "Con thích ở trên này rồi. Mẹ cho con ở thêm một thời gian nữa. Mà bây giờ con cứ nghĩ tới món thịt cá là con sợ lắm". Bố mẹ cu cậu nghe thấy thế, hoảng quá, tức tốc đưa con về ngay.
Các con đang sống trong môi trường quá đầy đủ và hoàn hảo khi bị đưa vào môi trường này đột ngột cũng có những biến đổi về tâm lý. Bản thân người lớn cũng thấy còn khó khăn để hòa nhập nữa là các con còn nhỏ. Các bố mẹ hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa con lên chùa tập tu nhé!
Thông tin cho các mẹ muốn cho con lên Thiền viện Trúc Lâm (Tam Đảo – Vĩnh Phúc) hè 2010
- Ngày 12/6, các thầy sẽ nhận các con tham gia khóa học mới. Các mẹ có thể đưa con lên từ 11/6. Số điện thoại liên hệ của thiền viện: 0211 3842 770
- Chỉ nhận các cháu từ 10 tuổi trở lên
- Thiền viện sẽ không thu tiền “phí” mà do gia đình đóng góp theo khả năng. gia đình nào khó khăn thì không cần đóng góp gì cả
- Bố mẹ phải mua cho các con 2 bộ áo nhà chùa và cho con mang theo 2 bộ (mặc ở bên trong áo choàng)
- Khóa học kéo dài trong 2 tuần, nếu muốn học thêm thì lại đăng ký tiếp.
- Bố mẹ có thể gửi ít tiền để các cô ở thiền viện mua giúp đồ dùng cần thiết nếu con cần gì đột xuất.
- Bố mẹ phải đích thân đưa các con lên (không nhờ người khác) và mang theo bản sao giấy khai sinh của con.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, bố mẹ có thể tìm hiểu các khóa học ở chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) cho cả mẹ và con ở nội trú, kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Ở Hà Nội, bố mẹ có thể đưa con đến Thiền viện Sùng Phúc (Bát Tràng - Gia Lâm). Ở đó, có khóa tu thiền vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Khi tham gia tu thiền ở đây, bạn phải sắm 1 bộ áo tràng lam, có thể mua ở chùa Quán Sứ.
Thu Hằng
(Tổng hợp)
Theo afamily.vn