Năm phút trước nó nhờ tôi ủi giúp bộ đồng phục. Thay vì nhận lời giúp con, tôi lại thuyết cho con một hồi. Nào là, con gái lớn tướng rồi, đã không ủi quần áo giúp mẹ lại còn nhờ vả; đáng ra con phải làm việc đó trong ngày chủ nhật rảnh rang, sao con không chuẩn bị sẵn quần áo từ tối hôm trước, để giờ không phải cuống cuồng lên thế này… “Con biết rồi. Con chỉ nhờ mẹ ủi giúp cái áo, chỉ cần mẹ trả lời là có giúp được không thôi mà”, con bé nhìn tôi bằng ánh mắt như thể nhìn người từ hành tinh khác đến, trả treo lại. Kết quả là một trận xung đột giữa hai mẹ con.
Ảnh: GettyImages.com
Tôi biết mình đã nhiễm “bệnh” thuyết giáo của các bà mẹ. Tôi cũng biết, cách giao tiếp này không mang lại hiệu quả, lại ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ mẹ và con gái, nhưng chẳng hiểu sao không dừng lại được.
Con gái tôi từng nói, nó luôn đoán trước được mẹ sẽ nói những gì, giọng điệu, vẻ mặt ra sao mỗi khi xảy ra việc gì với nó. Kịch bản đó đã quá quen thuộc vì cứ diễn ra hằng ngày, khiến nó ngán ngẩm. Tôi bất ngờ và có phần bất lực nhưng vẫn cố mỉm cười trước thổ lộ đó của con gái.
Nhớ ngày con còn bé, tôi không khỏi chạnh lòng. Khi đó con coi mẹ như thần tượng, chăm chú lắng nghe từng lời mẹ bảo ban. Vậy mà giờ đây, thời điểm đối mặt với nhiều rắc rối và cần có những lời khuyên, con tôi lại không muốn lắng nghe nữa, vì sao?
Con gái tôi đang trong giai đoạn nỗ lực khẳng định mình. Nó muốn tỏ ra mình biết và có khả năng giải quyết được mọi việc. Không muốn nghe lời thuyết giáo của mẹ cũng là một cách để chứng minh mình không phụ thuộc vào mẹ nữa, mình là người tự lập.
Không thể phủ nhận rằng, những điều tôi khuyên nhủ, con gái đều đã biết cả rồi, không có gì mới mẻ nữa. Sự lặp lại đến mức nhàm chán đã phản tác dụng.
Biết con không quan tâm, thậm chí là phản ứng tiêu cực, khước từ bài học từ kinh nghiệm sống của mình, nhưng tôi còn có thể làm gì khác khi muốn nhắc nhở con trước mỗi việc làm và mỗi vấn đề nó gặp phải?
Có lẽ, đã đến lúc tôi phải nghĩ ra cách gì đó thay cho những bài giáo huấn của mình.
Tôi nghĩ đến cô giáo dạy Văn của con. Cô là người con gái tôi rất yêu quý, nể phục và khá thân thiết. Con gái tôi rất thích môn Văn, đã đến nhà cô giáo học thêm nhiều lần, hai cô trò tỏ ra rất hợp nhau. Có lẽ tôi sẽ tìm gặp cô, tâm sự những vấn đề mình đang gặp phải với con, khéo léo nhờ cô chuyển đến con những thông điệp mà mình không cách nào làm cho con chịu lắng nghe được. Sự khách quan của “người ngoài” hẳn sẽ khiến con tôi thoải mái tiếp nhận hơn.
Không phải là “mặc kệ”, nhưng tôi cũng tự rèn mình không lạm dụng việc bày dạy, khuyên nhủ con nữa. Tôi tạo cơ hội cho con được nói, đặt ra những câu hỏi thực tế và trở thành người lắng nghe con; khuyến khích con tự suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết rắc rối theo cách của nó. Nếu con không tìm được giải pháp, cần đến sự tham vấn của mẹ, tôi mới đưa ra lời khuyên, nhưng cũng không kỳ vọng con sẽ áp dụng hoàn toàn như lời mẹ nói…
Nói chung, thật rắc rối nhưng cũng rất thú vị khi nuôi dạy đứa con tuổi mới lớn - những đứa con muốn được tự do thể hiện mình, mà đôi khi các phụ huynh phải rất khó khăn mới hiểu ra được vấn đề này.
Theo afamily.vn