Trong sáu đứa con của mình, đến tuổi xế chiều, bà tôi chỉ nhớ và bận tâm một người. Đó là dì Năm của tôi.
Tình thương yêu của bà đối với các con như nhau (bà thường nói thế), nhưng sự ưu tiên cho đứa con thứ năm là có lý do. Theo giải thích của bà, dì Năm tôi sinh ra trong “bọc điều”. Khi dì ra đời, ông bà làm ăn phát tài, tiền của vào như nước. Không có đứa con nào mang tới nhiều điều tốt đến thế cho gia đình. Trong khi ngày bà sinh mẹ tôi, trời mưa vần vũ, cả năm bão giật, cái ăn phải chạy từng bữa, đói khổ triền miên… Sau này tôi mới biết, bà tôi rất mê tín. Vì mẹ tôi tuổi Tuất, khắc với tuổi Mùi của bà, còn dì tôi tuổi Mùi, ẩn tuổi bà, là tốt nên bà cưng!
Các dì, cậu tôi lớn lên đều có gia đình riêng và sống xa nhà. Chỉ mẹ tôi sau khi ba tôi bỏ đi, thì ở vậy cùng bà ngoại và một mình nuôi dạy chúng tôi. Một thời gian sau, vợ chồng dì Năm ly dị, dì ôm con về sống với bà. Từ đó, bà dồn hết tình thương để bù đắp cho dì. Là trẻ con, tôi cũng nhận thấy bà thương dì hơn mẹ, bà cưng chiều các con dì hơn chị em tôi. Bà thường la tôi: “Ba mẹ nó ly dị, nó tủi thân lắm rồi, tụi bây không biết thương mà còn ăn hiếp!”. Tôi thường nghĩ, bà quên mất ba tôi cũng bỏ rơi chúng tôi vậy! Riết rồi vì sự không công bằng của bà, tôi đâm ra ghét dì và ghét luôn cả hai đứa em con dì.
Bây giờ, mẹ tôi vẫn cần mẫn chăm sóc bà ở tuổi gần đất xa trời. Dì Năm, cô con gái cưng sinh ra trong “bọc điều” của bà đã vì hạnh phúc riêng mà chẳng màng tới nỗi buồn phiền của bà. Hai con của dì, đứa lớn không chịu học hành, lông bông cờ bạc, đứa nhỏ mải miết mê game. Đến hôm nay bà vẫn chép miệng than thở: “Số dì con đào hoa, khổ vì chồng con, tội lắm… Bà có trăm tuổi cũng còn lo”. Mẹ tôi không hề trách bà, thường nói với tôi: “Cha mẹ nào cũng thương con, lo lắng cho con. Phận làm con không được oán trách cha mẹ mà hãy tự kiểm xem đã làm gì cho cha mẹ vui chưa…”.
Vết xe của người đi trước là bài học sâu sắc để tôi rút kinh nghiệm trong cách truyền
tình yêu thương của mình đến hai con. Vậy mà, mới đây thôi, chính tai tôi nghe lời phiền trách của đứa con gái sáu tuổi: “Mẹ phải thương con và anh Bo công bằng chứ”. Tôi thảng thốt, tự kiểm điểm mình. Thì ra: anh trai bé xin tiền mẹ mua hai bịch bánh vào lớp mời bạn ăn, tôi vui vẻ “khuyến mãi” mua thêm cho nó lon nước ngọt. Lúc ấy, con gái tôi xin tôi mua cho nó một món quà sinh nhật tặng bạn, tôi nói: “Quà con tặng bạn thì con phải lấy tiền ống heo của mình ra mua chứ…”. Vậy là bé tức tưởi bảo tôi không công bằng. Tôi bỏ hết việc, dành một buổi chiều cùng con gái ngồi ở bãi cỏ công viên nói chuyện. Tôi giải thích và con cũng hiểu ra nên sau đó vui vẻ chạy theo chơi đùa cùng anh trai. Là mẹ, điều tôi sợ nhất là làm con cái hiểu lầm. Tôi sợ vết xe đổ thiếu công bằng của người lớn lặp lại.