Đã qua cái thời đóng bỉm nhưng nhiều bé vẫn tè dầm, không biết cách đi vệ sinh. Vậy làm thế nào để bé có thể biết cách đi vệ sinh?
Để tự mình làm thành công được một việc gì đó, bé đều phải trải qua những giai đoạn học hỏi, có sự hướng dẫn của người lớn. Để dạy cho bé cách đi vệ sinh cha mẹ cần giúp bé thực hiện những thao tác ban đầu, và từ đó bé sẽ bắt chước và học tập.
Một số cha mẹ gặp khó khăn trong vấn đề tập cho trẻ nhỏ tự đi vệ sinh. Đây không phải là công việc khó khăn, bé sẽ làm được nếu đã được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất và tình cảm.
Khi nào dạy bé đi vệ sinh?
Nhiều cha mẹ thường băn khoăn về chuyện không biết lúc nào nên “đào tạo” con mình làm quen với việc đi vệ sinh là thích hợp nhất.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi, BV Xanh Pôn (Hà Nội): Trong thời gian giữa 18 và 36 tháng tuổi là lúc các bắp thịt phát triển hoàn thiện hơn, vì thế có thể tập cho bé tự đi vệ sinh từ 2 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này bé biết nói những điều trẻ cần, biết nhận ra những bộ phận của cơ thể nhất là bộ phận tiểu tiện và đại tiện, biết bắt chước những việc làm của người lớn.
Đặc biệt nhiều trẻ có thể hiểu được những điều cha mẹ nói và mong muốn làm những việc khiến cha mẹ vui lòng. Vì vậy giai đoạn này cha mẹ phải thường xuyên, ân cần, nhắc nhở để bé hiểu rằng việc tè dầm là không tốt và mất vệ sinh.
Dạy bé tự đi vệ sinh không phải là điều dễ dàng
Để bé biết đi vệ sinh
Để giúp bé tự đi vệ sinh bác sĩ Thu Hà (BV Nhi Thanh Hóa) khuyên các cha mẹ nên áp dụng những phương pháp sau:
* Khuyến khích: Cần khuyến khích trẻ tự nói với bạn khi nào bé muốn đi vệ sinh. Cha mẹ nên hỏi bé xem những lúc chẩn bị đi vệ sinh bé có cảm giác “mót” không? Nói với bé rằng mỗi lần có cảm giác “mót” thì nói với người lớn biết.
Khi bé tự đòi đi vệ sinh, cần phải khen ngợi và tỏa ra cho cháu biết rằng điều đó làm cho bạn rất hãnh diện về cháu. Cha mẹ và cô giáo ở nhà trẻ cùng dùng những từ giống nhau để nói về việc đi vệ sinh và khêu gợi những cử chỉ, hành động, lời nói của bé để báo động cho người lớn biết việc bé đi vệ sinh.
* Hướng dẫn: Sự hướng dẫn phải từng bước, trong vài tuần, vài tháng, nên nhớ nguyên tắc chính là không ép buộc mà phải khuyến khích trẻ. Hướng dẫn bé những cách đi vệ sinh hoặc cách ngồi bô chỉ cho trẻ cách ngồi và giải thích cách làm thế nào. Trẻ sẽ học bằng cách quan sát hành động của người lớn và làm theo.
Đề nghị trẻ ngồi bô ở những thời điểm tương đối đều đặn mà không bắt buộc trẻ. Tập cho trẻ ngồi không quá 5 phút. Cha mẹ có thể đọc hoặc kể một câu chuyện cho trẻ nghe trong 5 phút ngồi bô, hoặc chính trẻ tự xem sách.
* tâm lý: Trong trường hợp bé thất bại, không nên trách mắng bé. Hãy an ủi và động viên bé vượt qua vấn đề khó khăn này. Sự chê cười của người lớn sẽ làm bé xấu hổ và không dám thổ lộ vấn đề này với người lớn.
* Thời gian biểu: Cha mẹ nên thiết lập thời gian biểu cho việc đi vệ sinh để dần dần tạo thói quen cho bé . Khoảng 45 phút đến một tiếng sau khi trẻ uống nước hoa quả hoặc các loại chất lỏng, bạn có thể gợi ý cho trẻ vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô “xử lý”. Ngoài ra, mỗi sáng khi trẻ thức dậy, bạn cũng nên hỏi xem liệu con mình có mót không vì sau một đêm, lượng nước trong người tích tụ và như người lớn, bé cũng muốn giải quyết nhanh.
Khả năng tự lập và biết cách chủ động với việc tiểu, tiện là một phần quan trọng trong cuộc sống của bé. Cha mẹ nên giúp bé phát huy tính tự lập từ lúc 2 đến 3 tuổi, không nên để trẻ lệ thuộc vào bố mẹ quá nhiều. Làm như vậy khi lớn bé sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và không tự tin trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của bé.
Tường Vy
(Tổng hợp)
(Tổng hợp)
Theo afamily.vn