Bạn yêu cầu bé phải cất xe tải đồ chơi ngay vì đã đến giờ ăn nhưng bé vẫn tiếp tục chơi, thậm chí còn không buồn ngoảnh lại dù bạn đang cáu gắt. Tại sao bé lại coi lời mẹ như không?
Ở tuổi mẫu giáo, bé bắt đầu trở nên độc lập hơn và bé ngày càng phản ứng rõ rệt với những điều bé không muốn nghe. Vì thế, bạn đừng tỏ ra khó chịu nếu bé của bạn phớt lờ lời bạn nói. Tất nhiên, một vài thời điểm bé buộc phải lắng nghe bạn và chuẩn bị cho giờ ăn. Chìa khóa để nhận được hợp tác của con là cho bé một ít thời gian chuẩn bị trước khi làm theo mệnh lệnh của mẹ.
Điều bạn cần làm
- Yêu cầu rõ ràng và thực tế: Bạn nên đưa yêu cầu cụ thể và mạch lạc. Tránh nói: “Dọn phòng của con đi” vì nó quá mơ hồ, vượt quá khả năng của một bé mẫu giáo. “Bỏ giày của con vào tủ giày nhé” sẽ gần gũi với bé hơn. Và thay vì nói: “Sắp đến giờ ăn trưa”, bạn thử yêu cầu bé đi rửa tay và ngồi vào mâm cơm. Cả bạn và thiên thần nhỏ của bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích khi bạn dạy bé những công việc mới. Thay vì nói: “Giúp mẹ dọn bàn nào”, có thể hướng dẫn con bê bát bẩn bỏ vào bồn rửa bát.
- Đơn giản yêu cầu của bạn: Các bé tuổi mầm non có thể tỉnh bơ vì bé không hiểu bạn muốn bé làm gì. Ở tuổi này, các bé phản ứng tốt nhất với những chỉ dẫn không nhiều hơn 2-3 bước: “Lên phòng, tìm tất của con rồi mang xuống cho mẹ” hoặc “Mang cho mẹ cái áo bẩn; sau đó vào phòng tắm rửa tay”.
- Vài phút cảnh báo: Khi đến thời gian phải rời khỏi công viên, bạn hãy cho bé phải phút cảnh báo sau đó, nhẹ nhàng cùng bé đi đến chỗ để xe. Tương tự, khi bạn muốn bé ngồi vào mâm cơm mà bé lờ đi, hãy cho bé 2 phút sẵn sàng.
- Động viên: “Mẹ nói thì phải nghe” là câu được nhiều phụ huynh ưa chuộng nhưng nó không phải cách thúc đẩy hợp tác của bé với những yêu cầu từ cha mẹ. Nên nhớ, bạn muốn bé làm gì thì cần khuấy động hào hứng trong bé trước đã. Các bé mẫu giáo thích được khen ngợi vì thế, động viên là cách hợp lý để bé tuân thủ yêu cầu của bạn. “Tôm, mẹ rất tự hào vì con biết đi giày” hoặc “Con ngoan vì đã nghe lời mẹ”.
Bạn cũng có thể khích lệ tinh thần cho con bằng cách nói: “Nếu con cất ô chữ vào giỏ, chúng ta sẽ đi công viên” nhưng tránh nói phủ định: “Nếu con không cất ô chữ vào giỏ…”. Hoặc sử dụng những miếng dán bé ngoan, một miếng dán cho những lúc bé nghe lời mẹ.
- Dùng cách thay thế từ “không”: Nếu bạn lờ đi lời của bạn, có thể do bé phải nghe những từ “không” quá nhiều từ bạn. “Không, không đá bóng trong bếp”, chẳng hạn, vậy sao bạn không nói: “Ra sân đá bóng nhé”. Và thay vì nói: “Không ăn kẹo nữa”, là: “Con có thể ăn táo hay kiwi” hoặc “Con sẽ ăn kẹo sau bữa trưa”. Khi bạn cho bé lựa chọn là bạn giúp bé thấy lời nói của cha mẹ đáng để nghe hơn.
Nói “có” thay “không” bất kỳ khi nào bạn có thể và tạo cơ hội khuyến khích bé thường xuyên thay vì can gián bé. Nếu bé thích học đạp xe ba bánh, có thể nói: “Con thử đi” hoặc “Bố sẽ giúp con” chứ đừng nói: “Không được”.
Tất nhiên, cũng có lúc bạn buộc phải nói “không” cương quyết như bé chạy qua đường hoặc gây ầm ĩ khi bà nội đang ngủ.
- Hiểu bé: Tưởng tượng khi bạn đang đọc sách hoặc nói chuyện với bạn bè thì đột nhiên, có người bắt bạn phải dừng lại và làm việc khác. Thực tế, cha mẹ thường không để ý tới cảm giác háo hức và thất vọng khi bé buộc phải từ bỏ bộ đồ chơi yêu thích để đứng lên rửa tay. Vì thế, hãy đưa cho bé một vài dòng thông báo trước khi bé phải chuyển qua hoạt động khác. “Mẹ con mình sẽ rời khỏi nhà trong 5 phút nữa, con đứng lên đi”.
Nếu bé nhà bạn phớt lờ hầu hết lời bạn nói, bạn cần trao đổi với bác sĩ về chuyện này. Bác sĩ có thể kiểm tra thính giác và những vấn đề về phát triển cho con bạn.
Theo afamily.vn