HS Trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc |
Tôi có hai người con. Trước đây, con gái lớn của tôi học tiểu học ở nước ngoài. Mỗi ngày đến lớp thực sự là một ngày vui đối với cháu. Thậm chí, có những hôm mưa tuyết, mất điện, tàu điện không chạy mà cháu vẫn một mình lụi hụi đi bộ trong trời ngập tuyết một đoạn đường khá xa (khoảng năm đến sáu bến tàu điện) để đến trường. Dù ốm đến mấy cháu cũng không chịu nghỉ học.
Thế nhưng, con trai út của tôi - (nay đã học lớp 8), học ở trong nước - chưa kịp nghe tiếng trống trường đầu tiên đã kịp ... chán học.
Những ngày đầu đi học lớp Một, cháu cũng rơi vào trạng thái sợ đi học. Ba tuần đầu tiên (khi chưa khai giảng), mỗi buổi sáng phải đưa cháu đến lớp quả là một cực hình với cả nhà.
Cháu cứ gào khóc ầm ĩ, kiên quyết không chịu ra khỏi nhà và chỉ kêu lên một câu: “Không đi học lớp Một đâu, chỉ đi học mẫu giáo thôi”. vợ chồng tôi đã dùng đủ các cách như từ nịnh, dỗ dành, giải thích, cho đến dọa nạt, mắng mỏ, ... nhưng đều vô ích.
Tôi biết lỗi không phải ở các cháu nhỏ mà chính ở phía người lớn. Nhà trường (mẫu giáo lớn) và gia đình đã không làm tốt khâu chuẩn bị tâm lý cho trẻ đi học lớp Một mà chỉ lo dạy trước học đọc, học viết và học làm toán để sao cho các cháu vào lớp không bị thua kém các bạn.
Trong khi đó, ở lớp Một, các giáo viên không ai bảo ai đều coi các con đã "mặc định" biết đọc thông viết thạo. Cháu nào chưa biết sẽ bị ám ảnh tâm lý nặng nề là mình "học dốt" và thua kém các bạn trong lớp.
Hàng xóm cạnh nhà tôi, cháu bé được bố mẹ lo cho vào lớp chọn ở một trường điểm.
Chưa khai giảng nhưng ngày nào nhưng đi học về cháu cũng “trình” bố mẹ một tờ giấy A4 kín chữ. Cuối trang giấy có ghi: "Đề nghị phụ huynh kèm con đọc trơn tru từ 5 đến 7 lần”.
Cháu bé đó than thở: "Con không thích đi học lớp Một”....
Quyết “cứu” con trai mình
Trước hết, tôi xin phép nhà trường và giáo viên chủ nhiệm được đến trang trí lại lớp học cho thật đẹp và thật sinh động. Dần dần, lớp học thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các cháu.
Sau nữa, tôi đã hợp tác chặt chẽ với cô giáo - rất may là cô giáo rất tâm huyết với nghề, rất yêu trẻ và đặc biệt là rất cầu thị - để giúp cô thiết kế những bài giảng sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi này, trên tinh thần "học mà chơi, chơi mà học".
Những giờ Toán, Tiếng Việt (và cả giờ Đạo đức) đã trở thành những giờ học hấp dẫn thông qua các trò chơi, như tô màu, xếp hàng, đoán ô chữ, đóng kịch....
Kết quả là, con trai tôi phấn khởi đến trường hàng ngày. Có hôm trời mưa to, tôi đùa cháu: “Hôm nay mẹ cho con nghỉ ở nhà”. Cháu liền trả lời: “Không, con thích đi học cơ”.
Và thế là tôi đã “cứu” được con trai mình qua khỏi “cửa ải đầu tiên” của nhà trường. Con trai tôi rất yêu quí cô giáo lớp Một (và cả các cô giáo các năm sau đó).
Theo afamily.vn