Một sự trùng hợp, gần đây nhất bạn đọc theo dõi hiện tượng giáo sư Ngô Bảo Châu ai cũng muốn biết ông đã được cha mẹ giáo dục như thế nào khi còn bé. Cha của giáo sư Ngô Bảo Châu – giáo sư tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn đã đáp ứng lòng mong mỏi này của bạn đọc và đã chia sẻ. Ông nói rằng, con mình có may mắn là được nhiều thầy giỏi toán truyền thụ: mới lớp năm đã nhờ được thầy Phạm Ngọc Hùng ở viện Cơ học kèm toán, rồi đến thầy Lê Tuấn Hoa tốt nghiệp tổng hợp toán ở Nga về, rồi thầy Vũ Đình Hoà nghiên cứu sinh toán tại Đức... Các thầy đều là bạn của gia đình, vô tư chơi với nhau thì dạy giùm. Và cũng như những người bạn của giáo sư Phan Đình Diệu, gia đình giáo sư Cẩn cũng có những người bạn quý như thế. Họ mê học trò thông minh và khoe nhau “đã tìm được một đứa rất giỏi chia cho nhau dạy môn này, môn kia...”
Tất nhiên để có một tài năng như Ngô Bảo Châu, cần bao nhiêu yếu tố tụ hội: từ thiên bẩm về toán (mẹ của giáo sư thường phải yêu cầu con học vừa sức, đi ngủ sớm), sinh ra trong một gia đình mẫu mực, được gặp nhiều thầy giỏi, được làm việc, học tập trong môi trường tốt nhất với các giáo sư hạng nhất của Pháp, Mỹ và với nghị lực phi thường... mới có kết quả hôm nay. Nhưng các bậc làm cha mẹ đều muốn học được gì đó để mình có thể giúp đỡ con em nếu không thần đồng thì cũng chọn được con đường đúng nhất, nhu cầu này càng thôi thúc trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà bí lối ra. Tài năng không phải không có, nhưng làm sao để nếu không vượt lên tầm thế giới thì ít ra cũng thành người tài có ích cho tổ quốc mình.
Nhà giáo Trương Quang Đệ trong lúc trao đổi với bạn bè thân tình, ông cho rằng cha ông ta xưa có truyền thống hiếu học nhưng nhiều phần là để ra làm quan, ít người theo ý nghĩa tìm tòi tri thức. Động lực thúc đẩy văn hoá nhiều khi không đúng. Họ ra làm quan, nghiên cứu để có tiền. Trong cách học – thí dụ toán chẳng hạn – vẫn theo cách tìm kỹ năng, dạng toán để giải chứ không khuyến khích tìm ra cách giải. Khi được hỏi ông có thể nói gì về việc kèm cặp con cái học thêm, ông bảo cần phải xác định rõ dạy để làm gì. Dạy để nó giỏi đi thi, có cách luyện thi, mô hình hoá. Còn dạy tư duy để tìm ra mô hình là chuyện khác. Nếu dạy tư duy sáng tạo toàn diện thì ông làm khác. Bị bạn bè vặn hỏi ông sẽ làm gì, Trương Quang Đệ nói: “Tôi sẽ kê ra các tiểu thuyết kinh điển phải đọc, rồi Kinh thánh, những chuyện nguồn gốc Phật... các kiến thức khoa học như thuyết tương đối, xác suất thống kê, tâm lý đám đông, lịch sử những phát minh... nhiều thứ khác nữa”. Chúng ta nghe những chuyện tản mạn này sẽ nghĩ gì khi thấy con trẻ tiểu học gò lưng hàng ngày làm toán cộng trừ dài dằng dặc, lớn chút gò lưng thuộc các dạng toán, văn mẫu để đáp ứng thi cử?
Trong đời sống, chắc chắn ta gặp rất nhiều bậc cha mẹ thương yêu, kèm cặp theo dõi sự nghiệp của con theo kiểu gia đình giáo sư Châu. Nhiều bạn bè nhắc tới các tài năng trẻ, tới con của nhà thơ Vũ Quần Phương, các con của cố nhà văn Nguyễn Thành Long... đều giỏi có tiếng. Chỉ có điều là tư chất từng người cộng thêm môi trường học tập làm việc có thể giúp họ vươn tới đỉnh cao hay không. Còn về phía gia đình, ai cũng sẵn sàng lo cho các con. Họ còn lúng túng nhiều về phương pháp... Giá mà có nhà giáo dục nào bảo họ với...
Theo afamily.vn