Tám phút với stress!!!!

Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay của cuộc sống nghề nghiệp, gia đình và xã hội... mấy ai không muốn tìm được lối thoát nào đó, sao cho cơ thể có dịp nghỉ xả hơi, sao cho sức đề kháng đừng bị dồn sát đến chân tường. Có người thụ động chọn cách uống thuốc bổ. Có người chủ động hơn nên lựa biện pháp thể dục thể thao. Cách nào cũng có điểm hay. Nhưng theo Victor Davich, chuyên gia nghiên cứu về thiền học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, thì hình thức thư giãn trong điều kiện “tĩnh” tối đa, dù chỉ ngắn hạn, lại là phương án tích cực để bổ sung nguồn năng lực gần cạn của người đã thấm mệt.

Nghe qua có gì không hợp lý. Ngồi nghỉ có ít phút mà cơ thể đang yếu bỗng khỏe? Ngồi yên một lát mà cơ thể đủ sức phòng bệnh hay sao? Nhưng nếu ai đã đọc qua “Die 8 Minuten-Meditation” của Davich chắc chắn phải suy nghĩ ít nhiều về lợi ích của thiền định. Theo tác giả, thay vì bắt buộc cơ thể đã mệt nhoài sau một ngày làm việc căng thẳng phải gắng sức tiêu hóa viên thuốc bổ, thay vì ép buộc cơ thể gần kiệt sức cố vét chút tàn hơi để đuổi theo quả bóng trên sân tập sau giờ tan sở, trước đó nên tạo điều kiện phục hồi cho cơ thể thông qua cơ chế “hồi tiếp sinh học” (biofeedback) của phương pháp thiền định. Sách dạy về thiền hiện nay tròm trèm với số sách dạy nấu ăn. Nhưng điểm nổi bật trong ấn phẩm của Davich chính là cách hành thiền và giờ thiền.

Trái với hình thức uống thuốc bổ buổi sáng để chuẩn bị lâm trận, hay chơi thể thao sau giờ làm việc để quên hết ưu phiền, phương pháp thiền định theo kiểu của Davich nên được thực hiện ngay giữa trận tiền, đúng ngay vào giờ cao điểm. Trái với định kiến thông thường về tính chất phức tạp, đôi khi đến độ cầu kỳ của nhiều tác giả viết sách về thiền, thì kỹ thuật thiền của Davich lại đơn giản vô cùng. Người muốn thử kiểu thiền của Davich chỉ cần:

- Chọn tám phút nào đó thuận tiện ngay trong giờ làm việc, nếu gặp lúc đang căng thẳng càng tốt.

- Dẹp sạch mọi yếu tố có thể gián đoạn buổi hành thiền, như tắt điện thoại di động, khóa cửa phòng, ngưng máy vi tính, thông báo cho đồng nghiệp, treo bảng “xin đừng gõ cửa”...

- Tìm chỗ ngồi thoải mái, thoáng khí. Gài đồng hồ báo động tám phút nhưng đừng với tiếng chuông như muốn xé màng nhĩ. Thay vì phải canh kỹ tám phút, nếu chọn vài tình khúc của Trịnh Công Sơn qua tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn thì đến Davich cũng phải chịu thua về tính sáng tạo của người Việt, để giờ thiền chấm dứt trong lâng lâng, trong xao xuyến, như còn tiếc nuối, như đành chấm dứt giữa một khởi đầu rất mới.

- Giữ tư thế ngồi thẳng lưng, chân chạm hẳn sàn nhà như chôn vào lòng đất, đầu hơi ngả ra sau như có ai kéo hổng toàn thân.

- Nhắm mắt và tập trung tư tưởng hoàn toàn vào nhịp thở theo ba công đoạn liên tục: hít vào thật sâu, nín hơi nhẹ nhàng, thở ra thật chậm.

- Trong lúc hành thiền, nếu ý tưởng về công việc, về gia đình... cố chen chân phá đám là chuyện bình thường. Đừng phân tâm, cũng đừng bực tức với chính mình. Tiếp tục tập trung tinh thần theo dõi nhịp thở, nếu cần thì dùng cách tự nhẩm “hít vào, nín hơi, thở ra” cho đến khi quên hẳn chuyện khác.

Davich đã không vô cớ chọn tám phút làm khung tiêu chuẩn về thời gian hành thiền. Khoảng thời gian đó đã được đúc kết sau nhiều công trình nghiên cứu công phu, qua đó tác dụng của thiền định trên huyết áp và nhịp tim, trên hệ thần kinh, trên hệ nội tiết chống stress có cường độ cực đại trong 10 phút đầu của buổi tập. Cũng theo Davich, đa số doanh nhân khó có thể tập trung tinh thần sau 10 phút thư giãn. Thiền định cũng như mua bán cổ phần. Biết đến 10 còn tốt, vậy thì chọn tám cho chắc ăn. Tham chi đến 11 phút rồi trở về không! Đó là điểm khéo của Davich.

Vì tinh thần phân tích đến độ cực đoan của người da trắng nên Davich phải dựa vào một tiêu chuẩn thật cụ thể theo kiểu đúng boong tám phút. Nguyên tắc quan trọng nhất của thiền là không có quy luật. Không bó buộc phải đúng tám phút, không thừa một giây. Cũng không nhất thiết chỉ là tám phút, không thiếu một nhịp thở. Nếu cảm thấy thoải mái với bài tập thiền định thì cứ tùy nghi áp dụng nhiều lần trong ngày, khi nào thấy cần, khi nào thấy thích. Sau vài lần thì bài tập trở thành thói quen, chẳng khác nào một loại phản xạ có điều kiện, để cơ thể hễ gặp cảnh căng thẳng thì tự động có nhu cầu hành thiền. Có một điều chắc chắn, một lần hành thiền 24 phút không hữu ích bằng ba lần tám phút. Biết cách kiên nhẫn góp cơn gió nhẹ để thổi luồng sinh khí cho não bộ thì đến lúc nào đó ngọn gió hiu hiu sẽ thừa sức biến thành cơn bão lớn quét sạch mọi ưu phiền


Nguồn:(TBKTSG)

------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 2452 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm