Triệu chứng hưng cảm hoàn toàn đối lập với trầm cảm. Đó là trạng thái hưng phấn, kích thích của các hoạt động tâm thần, nổi bật là sự hưng phấn về cảm xúc. Sự quá mức này khiến bệnh nhân nhanh mỏi mệt.
Hội chứng hưng cảm có trong nhiều bệnh tâm thần và một số bệnh cơ thể. Các trường hợp điển hình gặp trong rối loạn xúc cảm lưỡng cực, không điển hình gặp trong bệnh tâm thần phân liệt. Ngoài ra, hội chứng này còn xuất hiện trong các bệnh thực tổn như: chấn thương sọ não, bệnh Basedow...
Biểu hiện hưng cảm tùy thuộc vào hội chứng điển hình hay không điển hình. Triệu chứng hưng cảm điển hình thể hiện sự hưng phấn tất cả các mặt của hoạt động tâm thần, cụ thể là:
Hưng phấn về cảm xúc: Khí sắc tăng, bệnh nhân cảm thấy khoan khoái dễ chịu, đầy sinh lực, cảm giác khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Bệnh nhân nhìn cuộc sống xung quanh thấy vui tươi, sáng sủa, màu sắc sặc sỡ, đầy thú vị. Họ hầu như không lo lắng về cuộc sống, luôn lạc quan về tiền đồ, cảm thấy tương lai rạng rỡ, sáng sủa, đầy hạnh phúc.
Hưng phấn về tư duy: Bệnh nhân thấy ý nghĩ của mình luôn tuôn trào, sự liên tưởng giữa các ý nghĩ rất nhanh; các câu, từ thường liền vần và bệnh nhân hay vận dụng ca dao, tục ngữ vào câu nói. Cùng một lúc, họ có thể chú ý vào nhiều sự việc đang xảy ra ở xung quanh nhưng không kiên trì, dễ chuyển sang việc khác. Trong suy nghĩ của mình, bệnh nhân luôn dự định nhiều chương trình, nhiều ý tưởng. Đặc biệt trong trường hợp nặng hơn, họ tự đánh giá cao bản thân, cho rằng mình giỏi hơn nhiều người và đang phải thực hiện nhiều công việc quan trọng, thậm chí bệnh nhân có hoang tưởng tự cao rõ rệt.
Hưng phấn về vận động: Bệnh nhân luôn hoạt động, nói nhiều, nói nhanh hơn, đi lại nhiều, can thiệp vào mọi việc xung quanh mà không biết mệt mỏi. Thông thường bệnh nhân hưng cảm ít kích động, kích động xuất hiện khi bệnh nhân kiệt sức hay có nhiễm khuẩn, bệnh cơ thể kèm theo.
Một số triệu chứng thường gặp khác: Bệnh nhân thường giảm nhu cầu ăn, nhất là giảm nhu cầu ngủ. Đa số người hưng cảm đều có rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ. Một số bệnh nhân có tăng nhu cầu hoạt động tình dục.
Trong trường hợp hội chứng hưng cảm không điển hình, các triệu chứng ít hơn: bệnh nhân thường vui vẻ đơn thuần (không kèm liên tưởng nhanh, không hoạt động nhiều), hưng cảm kèm theo hoang tưởng, hưng cảm giận dữ...
Hội chứng hưng cảm nhanh chóng đưa bệnh nhân đến tình trạng suy kiệt vì bệnh nhân hoạt động nhiều, trong khi lại mất ngủ và ăn kém do giảm các nhu cầu này. Vì vậy khi phát hiện người có biểu hiện của hội chứng hưng cảm, cần đưa đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần gần nhất hoặc bệnh viện tâm thần để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Việc điều trị phải tuân thủ các nguyên tắc sau: chữa theo nguyên nhân gây bệnh, chữa triệu chứng hưng cảm, điều chỉnh nước, điện giải, bồi dưỡng cơ thể...
BS. Hoàng Nam, Sức Khỏe & Đời Sống