Suy dinh dưỡng... cảm xúc

Không buồn, không vui, không yêu ghét, lo sợ, giận hờn; không hàm ơn cũng chẳng xót thương... Đó là căn bệnh "suy dinh dưỡng cảm xúc" đang trở nên phổ biến trong một bộ phận vị thành niên đô thị.

 

Sống "như không"
"Con gái tôi 16 tuổi, chẳng thích gì, càng cho càng lảng tránh. Không thương, quý, cũng chẳng giận, ghét ai. Chỉ trả lời khi được hỏi, hầu như không cười.

Trong nhà, cháu không để tâm, để mắt đến vật gì, chuyện gì dù tày đình; mắt cứ nhìn đi đâu ấy. Thấy cháu ngoài giờ học là chỉ bó gối trong nhà, chúng tôi động viên cháu đi chơi, nhưng ra cửa là cháu quay về ngay, nói rằng chẳng biết đi đâu, và không thích đi.

Bạn cùng lớp bảo con gái tôi bị "dở hơi", nhưng thực ra cháu vẫn giao tiếp, ăn ngủ bình thường. Con tôi có vấn đề gì về tâm thần không?" (Thư một phụ huynh ở Hà Nội).

"Đi viếng đám một nhỏ bạn cùng lớp bị xe tông, ai cũng khóc lóc và bực mình vì con không rơi nước mắt. Mọi người không dám nhìn mặt bạn ấy vì đã sưng vù lại méo mó, còn con dừng lại ngó thật lâu, vì trông lạ lắm. Sống chết có khác gì nhau đâu, can chi phải khóc, phải sợ?

Các bạn và ba mẹ con lúc nào cũng khóc lóc hoặc giận dữ, thích thứ nọ, không thích thứ kia, thương người nọ, ghét người kia. Con mặc kệ thì bị mọi người gọi là "thần kinh". Con có khác người không? Tại sao con lại bàng quang như vậy?" (Tâm sự của một nữ sinh TP.HCM)

"Ở trường, em học cũng được. Ở nhà, em được ba mẹ em cưng, cho tiền xài thoải mái, cho cả 2 con xe ngon để đi chơi. Em chẳng đi tán ai vì chẳng thấy thích cô nào cả, cũng chẳng thân với cậu bạn nào (chúng nó chẳng giống em). Chẳng biết có cần hạnh phúc không. Mà cũng chẳng hiểu thứ đó là gì..." (Tâm sự qua điện thoại của một nam sinh viên).

"Cháu không hiểu lắm chuyện người lớn, nhưng cháu thấy ba mẹ ngày nào cũng giận nhau. Bạn bè cháu cũng thế, khi khóc khi cười thật là rối rắm. Vậy không biết sống để làm gì hả cô?" (Trích thư của một nữ sinh 17 tuổi, TP.HCM).

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều lá thư, cuộc điện thoại tìm đến Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ -tình yêu- Hạnh phúc (TƯ Đoàn TNCS HCM) và Đài truyền hình Bình Dương để hỏi: "Tại sao sống lại như không?".

Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, những "chứng bệnh" này không bộc lộ rõ như stress, không làm người bệnh mất khả năng giao tiếp như tự kỷ nhưng lại hết sức nguy hiểm bởi sức tàn phá ghê gớm cuộc sống tinh thần một bộ phận giới trẻ, khiến họ sống "không hồn trong xác khoẻ".

Một số có thể tìm đến ma tuý và cái chết sau khi nhận ra cuộc sống của mình thật buồn tẻ và vô nghĩa.

Nuôi thân, quên dưỡng tâm?

Theo BS tâm lý Phạm Thịnh - Giám đốc BV Hồng Ngọc (Hà Nội), hiện tượng này có thể gọi tên là "chai cảm xúc" (hay "suy dinh dưỡng cảm xúc"), đang trở nên phổ biến trong một bộ phận vị thành niên đô thị (thậm chí lớn hơn, ở độ tuổi 20).

Nhận biết người bị chai cảm xúc khá khó do họ vẫn có thể giao tiếp (khác bệnh nhân tự kỷ), sinh hoạt vẫn điều độ, xử sự hiền hoà (khác người bị stress). Chỉ có thể nhận ra họ qua ngôn ngữ - những lời nói thờ ơ, không chút đồng cảm, hoà nhập với mọi người trong các tình huống đời sống cụ thể.

Còn có thể nhận ra người bị chai cảm xúc nhờ các biểu đạt "không ngôn ngữ" như nét mặt và ánh mắt lãnh đạm: trương lực ở mặt họ gần như không thay đổi. Họ không có biểu hiện buồn vui, lo sợ, giận hờn, thích thú, mong ước; không yêu ghét, xót thương, hàm ơn bất cứ ai; tóm lại, bàng quang trước mọi sự.

Chai cảm xúc, theo BS. Thịnh, còn xuất hiện ở những người bị kiệt quệ tâm lý do phải sống trong stress thường trực và người bệnh tâm thần (thường là tâm thần phân liệt giai đoạn cuối).

Phân tích nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chai cảm xúc ở một số thanh thiếu niên, BS.Thịnh cho rằng những em này từ nhỏ đã không được nuôi dưỡng và nuôi dưỡng đúng mức đời sống cảm xúc.

Trẻ bị chai cảm xúc thường có hoàn cảnh đặc biệt: sống cùng ông bà, họ hàng hoặc người giúp việc do cha mẹ bận công việc, đi làm ăn xa, phải chịu tù tội, cha mẹ hay xung đột hoặc ly dị; sống trong gia đình quá nghèo, hoặc... quá giàu.

BS. Thịnh gặp nhiều trường hợp trẻ chai cảm xúc do... "bội thực" vật chất, từ nhỏ đã "bị" cha mẹ quá cưng chiều, chăm sóc quá kỹ, đáp ứng thái quá mọi nhu cầu, cả những nhu cầu "không đích thực" của con. Ví dụ, nằng nặc bắt con nhận một chiếc honda @ trong khi trẻ chỉ cần một chiếc xe gắn máy đủ giúp cháu kịp giờ học ở trường và các buổi học thêm tại nhiều điểm xa nhà.

Còn những trường hợp trẻ nhà nghèo, thường bị kiệt quệ tâm lý, không phải vì gia cảnh khó khăn mà bởi sự vô cảm, thiếu hiểu biết của cha mẹ, đã thường xuyên từ chối phũ phàng và bất công mọi nhu cầu của con.

Ngoài nguyên nhân từ gia đình, theo các nhà nghiên cứu tâm lý - xã hội học, còn một lý do cơ bản khác dẫn tới hiện tượng cùn mòn cảm xúc, vô cảm trong mọi tình huống cuộc sống ở một bộ phận thanh thiếu niên; đó là bản chất xã hội.

TS. Huỳnh Văn Sơn (Khoa tâm lý - Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, một xã hội mà các hiện tượng bất công tồn tại ngang nhiên nhưng không được phân xử thấu tình, đạt lý; nhiều tội ác (tham nhũng, hối lộ, lừa đảo, đánh giết nhau cùng các các tội ác hình sự, dân sự khác) không bị trừng trị nghiêm cũng có thể làm mòn mỏi đời sống cảm xúc con người.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Gia Hiền (Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu, ĐH Bình Dương ), một thời gian dài cả xã hội đã quên định hướng sống phù hợp cho giới trẻ; nhiều nhà trường, sách vở vẫn áp đặt lý tưởng cho họ theo kiểu thời chiến tranh một cách giáo điều, dẫn tới thực trạng một bộ phận thanh thiếu niên mất phương hướng sống, sống cho qua ngày đoạn tháng, sống không cảm xúc.

TS. Hiền cho rằng, hiện tượng vô cảm ở một bộ phận thanh thiếu niên có thể là sản phẩm của một thời gian dài xã hội, nhà trường, gia đình chỉ quan tâm nuôi dưỡng thể chất mà quên nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ.

Đo lường, định hướng, nuôi dưỡng ước mơ

TS. Nguyễn Gia Hiền nói, ông có ý định thực hiện một cuộc khảo sát để đo lường ước mơ của giới trẻ, với mục đích phát hiện, củng cố, điều chỉnh ước mơ và nghiên cứu các giải pháp đáp ứng mong ước lành mạnh của họ.

Cùng với cố gắng của những lực lượng làm công tác xã hội học, nỗ lực thanh lọc xã hội của tất cả cũng vô cùng cần thiết trong việc giúp giới trẻ hình thành hoài bão, ý thức được sự góp mặt của mình trong cuộc sống này.

Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Văn Sơn, một xã hội công bằng, kỷ cương, khuyến khích việc thiện cũng chư đủ sức nuôi dưỡng đời sống cảm xúc cho các cư dân trẻ. Để giúp thanh thiếu niên hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc sống, định hướng, vun đắp lý tưởng sống cho cho họ, cần có một chương trình giáo dục các kỹ năng sống "dài hơi", chú trọng kỹ năng bộc lộ tình cảm (trong đó có khả năng ước mơ).

Các gia đình lại càng phải "nhập cuộc" tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con ngay từ nhỏ. Đặc biệt, từ bỏ thói quen dạy con kiểu Á đông rất sai lầm: chỉ áp "luật" và nói, không đếm xỉa suy nghĩ độc lập của con, không chịu lắng nghe trẻ, học cách thấu hiểu và chia sẻ. Để làm được điều này, theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh buộc phải dành thêm thời gian cho trẻ.

BS Phạm Thịnh từng đọc một tài liệu viết trong thời gian Đại chiến Thế giới II, về những đứa trẻ mồ côi cha mẹ được đưa vào cô nhi viện. Chúng rất hay khóc, và khóc rất to, mong phát đi thông điệp xin được giao tiếp, xin vỗ về, nựng nịu và nghe hát ru. Nhưng các seur bận nhiều việc, chỉ có thể đến đúng giờ cần cho chúng ăn no, ngủ yên, áo quần sạch sẽ. Một thời gian sau, nhiều cháu không khóc nữa; chỉ thấy đôi mắt nhìn trân trối. Ít lâu sau, từ giã cõi đời vì nhiều bệnh lý.

Theo Vietnamnet

------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 2507 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm