Nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Đức Herbert von Karajan qua đời đúng vào năm nghỉ hưu. Cái chết này đã được chính ông và các nhà tâm lý báo trước cả thập kỷ. Họ biết rằng trái tim của Karajan dành trọn cho âm nhạc nên khi phải rời bó nó, tim ông cũng ngừng đập.
Herbert von Karajan đã có lần nói rằng âm nhạc là lẽ sống của ông. Chắc chắn chính ông cũng không biết câu nói ấy đã thiêng đến mức nào vì ông đã qua đời đúng vào năm nghỉ hưu, sau 30 năm đứng đầu dàn nhạc giao hưởng thủ đô Berlin. Điều đáng ngạc nhiên hơn là đã có hai nhà tâm lý học dự đoán được điều đó từ 12 năm trước. Hai người này đã nghiên cứu chức năng tim của nhà chỉ huy dàn nhạc tài ba và nhận thấy rằng trái tim ấy đã phản ứng rất khác nhau theo từng loại hoạt động. Khi chỉ huy khúc mở đầu Lenora 3 rất nhiều cảm xúc của Beethoven, tim của ông đã có những thay đổi rất lớn. Chỉ cần nghe lại đoạn nhạc đó, nhịp tim cũng đã tăng như khi ông chỉ huy. Có nhiều đoạn khác trong bản nhạc cũng gây xúc động cho một nhà chỉ huy nào đó, nhưng với Karajan thì chỉ gây ra sự tăng nhẹ nhịp tim. Với những hoạt động khác thì trái tim của ông tỏ ra dửng dưng, kể cả khi máy bay hạ cánh hay cất cánh... Tóm lại, trái tim của Karajan hoàn toàn hiến dâng cho âm nhạc và nếu phải rời bỏ âm nhạc thì nó cũng ngừng đập luôn.
Trong cuộc sống, ai cũng có thể đã từng nghe thấy chuyện bà vợ của một ông hàng xóm già mới qua đời được vài tháng thì ông ta cũng đi theo vợ, hay chuyện bà mẹ đã chết sau khi mất đứa con trai yêu quý duy nhất... Câu nói cửa miệng “trái tim tan nát” đã đúng với những trường hợp trên cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Trong một thời gian dài, y học đã xem những chuyện tương tự như trên chỉ là chuyện tình cờ. Chỉ vài thập niên gần đây, các thầy thuốc tim mạch và các nhà tâm lý mới quan tâm đến những chuyện “tình cờ” đó và đã khám phá ra rằng stress là một yếu tố nguy cơ gây các bệnh tim mạch còn quan trọng hơn cả thuốc lá. Việc bị trầm cảm sau khi nhồi máu cơ tim báo hiệu rằng cái chết sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng; độ chính xác còn hơn cả mọi phương tiện thăm dò chức năng tim khác. Khi vùng não cảm xúc bị rối loạn, trái tim sẽ đau và cuối cùng sẽ kiệt sức.
Cảm xúc được cảm nhận bằng cả thân thể chứ không phải bằng cái đầu, điều đó xem ra rất tự nhiên. Ngay từ năm 1890, William James, giáo sư của Đại học Havard và là người xây dựng Khoa tâm lý học Mỹ đã viết rằng, cảm xúc trước hết là một trạng thái của cơ thể và sau đó mới là cảm nhận của lý trí. Những kết luận của ông dựa trên nghiên cứu diễn biến thông thường của cảm xúc. Người ta thường nói “trong lòng sợ quá” hay “trong lòng bực bội”, “thật đau lòng khi phải chia tay người thân yêu”... Những câu nói đó thể hiện khá chính xác những trạng thái cảm xúc mà ta có thể gặp trong đời sống hằng ngày.
Cách đây không lâu, khoa học đã khám phá ra rằng cả ruột non và trái tim đều có một mạng lưới riêng gồm vài trăm ngàn nơron (tế bào thần kinh) và được xem như là “những bộ não nhỏ” ở bên trong cơ thể. Những bộ não tại chỗ này có khả năng cảm nhận riêng và điều chỉnh hành vi theo những cảm nhận đó. Trái tim còn có khả năng huy động nguồn dự trữ adrenalin khi cần hoạt động hết công suất; kiểm soát sự giải phóng một hoóc môn khác giúp điều chỉnh huyết áp và là nguồn dự trữ oxitocine của một hoóc môn được mệnh danh là hoóc môn tình yêu (được bài tiết vào máu khi người mẹ cho con bú, khi đôi trai gái đang thời kỳ “cưa cẩm” nhau và khi có khoái cảm). Tất cả những hoóc môn này đều tác động trực tiếp đến não.
Trái tim còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bằng những biến động trên diện rộng. Điện từ trường mà tim phát ra là một trường điện sinh học có thể phát hiện được từ nhiều mét ngoài cơ thể. Trái tim biết cảm nhận và rung động. Khi thể hiện vai trò của mình, nó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sinh lý của cơ thể và bắt đầu từ não.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống