Trẻ quyết không cho mẹ thay đồ, lau rửa vùng cơ thể nào đó, có thể là cách trẻ “vải thưa che mắt thánh” một vết thương, vết bầm tím do té ngã, tai nạn hay “mãnh hổ nan địch quần hồ” với đám bạn đồng môn.
Trẻ “sáng tác” đủ chứng bệnh răng miệng, tiêu hóa như đau răng, lở miệng, đau bụng, có thể là cách trẻ hợp thức hóa chứng biếng ăn hay đơn giản thoái thác món ăn nấu quá... dở của mẹ.
Ngược lại, trẻ con như người lớn, lắm khi sợ bệnh và giấu bệnh. Ác cảm với những lần thăm khám, chích thuốc, có thể khiến trẻ im lặng với một triệu chứng bất thường.
Với trẻ lớn khi mắc bệnh, một số phụ huynh chủ quan giao trẻ bụm thuốc tự xử mà không biết cô cậu đã làm xiếc bằng cách ực “khống”. Trong khi đó, thuốc bị giữ lại trong nắm tay, trong miệng, đợi dịp lén nhổ ra hay mang đi phi tang. Từng có chuyện bà mẹ đến phòng mạch mắng vốn bác sĩ “nuôi bệnh” chữa hoài không khỏi, khi được đề nghị về kiểm tra… sọt rác, mới té ngửa vật chứng đầy trong đó.
Phụ huynh thường cảnh giác việc trẻ xin tiền để cống nạp “đầu gấu”, nhưng có một lý do bất ngờ là có khi trẻ cần tiền để lén… mua thuốc hay khám bệnh “chui”. Với mấy cô cậu mới lớn, nhu cầu tài chính bất thường có thể liên quan đến chuyện “ăn cơm trước kẻng”, hay đơn giản là đợt mộng tinh hay kỳ kinh đầu đời .
Trên đây chỉ là vài ví dụ kinh điển về những lời nói dối của trẻ. Bằng thực tế và tinh thần cảnh giác, các bậc bố mẹ hoàn toàn có thể nhận ra những lời nói dối có vấn đề để giúp trẻ.
BS Đỗ Minh Tuấn