Con ngạc nhiên: “Người miền Nam cũng ăn Tết với món này hả mẹ?”. Mẹ cười: “Năm nay nhà mình ăn Tết… kiểu miền Trung!”. Con chưa kịp nói gì mẹ đã xách ra một chồng bánh tráng nướng sẵn vàng rộm để bên cạnh hũ thịt, mẹ nói: “Có thêm thứ này nữa mới đúng kiểu, phải không con?”. Nước mắt con chảy tràn khi được chấm chén mắm ớt tỏi mẹ làm, không phải vì cay mà vì xúc động. Cả nhà mình vừa ăn vừa hít hà: “Mắm miền Trung ăn cay thiệt à nha!”.
Đêm giao thừa, khi cả nhà quây quần bên nhau, mẹ ngồi xuống cạnh con và bắt đầu những câu chuyện về Tết. Đan xen những hồi ức của mẹ là những phong tục, những tập quán của người miền Nam. Chuyện càng rôm rả hơn khi mẹ “tạo điều kiện” cho cả nhà kể những câu chuyện của chính mình, con tham gia thật nhiều với những ký ức về Tết của ngày thơ ấu.
Đã nhiều năm là con dâu của mẹ nhưng con vẫn chưa quen với những sinh hoạt nhà chồng. Nồi thịt kho Tàu mỗi Tết về mẹ dạy con nấu vẫn chưa ngon, nồi canh chua cá tra con ăn thấy còn lạ miệng, con vẫn ngại mỗi lần về quê ra ngồi giặt áo bên sông. Mẹ cười hiền: “Những thứ này chỉ để biết thôi, không cần phải học đâu con!”. Vì thế mỗi lần về với mẹ, con vẫn được ăn cơm do mẹ nấu như ngày nào.
Mẹ vẫn thường giới thiệu con với khách đến nhà: “Đây là con tui, vợ thằng út” thay vì “Đây là con dâu tui”. Con nhớ hoài câu mẹ nói với bạn mẹ mà vô tình con nghe được: “Sao bắt con gái người ta thương mình nếu mình hổng chịu thương nó cho thiệt bụng?”. Mẹ ơi, thật lòng, có lẽ con vẫn chưa thương mẹ bằng mẹ đẻ, cũng như suốt đời, con vẫn là “con gái người ta”. Nhưng có một điều con biết rõ, mẹ đang tìm cách thu hẹp những khoảng cách của mẹ con ta. Mẹ đang dạy cho con bằng tình cảm của người mẹ hiền và con học được bài học tình thương ấy từ tấm lòng của mẹ…
Sáng nay, mẹ vừa gọi điện hỏi: “Tết này mẹ lại làm thịt rọng mắm nha con?”. Con chỉ biết nghẹn ngào gọi: “Mẹ,…”, mà không biết nói gì để mẹ hiểu lòng con đang tha thiết yêu thương.
Lưu Trần