Kỳ thực chúng ta chẳng thể nào trách con trẻ khi chúng nói dối. Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, chúng ta nhiều khi vô tình hay cố ý nói dối trẻ, làm gương xấu cho chúng bắt chước.
Bé Tít lên 3 tuổi, còn bé Tút là anh bé Tít, năm nay lên 5 tuổi. Một lần Tít ta chạy theo anh để xem thả diều thì bị vấp ngã và khóc thét lên. Nghe tiếng con khóc, mẹ bé chạy vội ra, vừa đỡ con dậy vừa giận dữ hỏi: “Con đau ở đâu? Ai làm con ngã? Có phải anh Tút làm con ngã không?...” Còn đang mếu máo chưa biết trả lời thế nào, nghe mẹ nói vậy, bé Tít nói ngay: “Anh Tút làm con ngã…”.
Sự việc lại không phải như vậy. Tít mải mê nhìn theo chiếc diều đang bay nên không may bị vấp ngã. Còn bé Tút thì mải chơi nên không biết em chạy theo mình. Thế là Tút bị mắng oan mà không thể giải thích vì bé Tít đã nói dối.
Tại sao trẻ hay nói dối?
Trở lại trường hợp của bé Tít. Thực ra Tít không có ý xấu là đổ lỗi cho anh Tút làm ngã mình. Nhưng do chưa phân biệt được nên khi nghe mẹ “mớm” mà em nghĩ rằng anh Tút làm cho mình ngã và đã nói ra đúng như những gì mẹ nói. Chính vì trẻ có đặc điểm tâm lý này mà người lớn chúng ta phải hết sức thận trọng khi can thiệp vào những tình huống đó.
Phải làm sao khi trẻ nói dối?
Kỳ thực chúng ta chẳng thể nào trách con trẻ khi chúng nói dối. Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, chính chúng ta nhiều khi vô tình hay cố ý đã nói dối trẻ, làm gương xấu cho chúng bắt chước.
Chẳng hạn, chúng ta hứa hẹn sẽ mua thứ này thứ khác cho con, nhưng rồi lại quên bẵng đi mà không mấy khi thực hiện. Hoặc mỗi khi trẻ khóc, chúng ta thường dọa chúng bằng những nhân vật tưởng tượng dữ dằn, ghê gớm. Chúng ta nói dối khi con trẻ có những thắc mắc về những điều khó giải thích. Nhưng tệ hơn cả, nhiều khi vì cái lợi thực tế trong cuộc sống bon chen này mà chúng ta dạy con trẻ nói dối trong những trường hợp mà chúng ta nghĩ làm thế là đúng. Đây là điều các bậc phụ huynh làm cha mẹ nên xem lại.
Đối với trẻ, động cơ nói dối không có gì to tát, đôi khi chỉ là do tưởng tượng hoặc để chạy tội. Vì vậy, ở một chừng mực nào đó, việc nói dối của trẻ là vô hại và rất dễ nhận biết nhờ những biểu hiện “khác thường” ở trẻ như: nét mặt thay đổi, giọng nói nhỏ, lí nhí, cố tình lặp lại nhiều lần để mong người khác tin…
Thế nhưng, các thiên thần nhỏ của chúng ta không đơn giản. Nói dối lần một thành công là sẽ có lần sau và những lần sau nữa. Bởi cái lợi trước mắt quá rõ ràng, khỏi bị đánh đòn, bị phạt… Vì vậy, nếu không bị áp lực bởi đòn roi, không bị những cái trợn mắt, chau mày của người lớn, trẻ có thể không nói dối để chạy tội. Là bậc phụ huynh, bạn nên chịu khó dùng lời nhẹ nhàng với con, hứa với trẻ là sẽ không đánh con nếu con nói thật. Để làm được điều này, cha mẹ và những người lớn khác phải là những người không nói dối con, có “uy tín” với con và không thất hứa với con. Có như vậy trẻ mới ngoan ngoãn nghe theo.
Theo Afamily