Tình trạng căng thẳng, buồn và khó hiểu thường xảy ra ở trẻ em khi cha mẹ ly hôn. Các nhà tâm lý còn chỉ ra những hậu quả lâu dài mà trẻ phải gánh chịu. Những hậu quả ấy có thể không thấy ngay trước mắt, nhưng âm thầm kéo dài và biểu hiện rõ từ thời kỳ dậy thì trở về sau.
Để giảm thiểu những tổn thương cho con trẻ khi đối mặt với ly hôn, cha mẹ hãy:
Thông báo cho con về việc ly hôn của cha mẹ
Người lớn cần hiểu rằng, trẻ có xu hướng tự trách mình trước sự đổ vỡ của cha mẹ. Một số trẻ mang cảm giác mặc cảm hối hận vì mình chưa tốt, chưa ngoan, chưa học giỏi… nên cha mẹ mình mới bỏ mình. Vì thế, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là hãy khẳng định nhiều lần, ly hôn là quyết định có cân nhắc và suy nghĩ của cha mẹ chứ trẻ không có lỗi trong quyết định chia tay ấy. Thứ hai, hãy bày tỏ lý do ly hôn một cách trung thực và có trách nhiệm. Những câu nói trách cứ, đổ lỗi cho đối phương chỉ làm tình hình tồi tệ thêm. Nhìn chung, trẻ càng lớn thì nội dung trao đổi cần chi tiết hơn. Những thay đổi nào sẽ đến với trẻ, kế hoạch của người lớn đối với trẻ là gì? Trẻ sẽ ở với ai? Ở đâu? Và trẻ học ở trường nào? Sẽ là tốt hơn nếu có sự đối thoại giữa cha mẹ và trẻ.
Điều quan trọng hơn hết mà trẻ cần được khẳng định, là cha mẹ vẫn thương yêu trẻ.
Hãy cho trẻ thời gian để chấp nhận, để lấy lại thăng bằng và giải tỏa những căng thẳng khi nhận thông tin ly hôn từ cha mẹ. Điều đó có nghĩa là cha mẹ phải thống nhất và cân nhắc thời điểm nói ra với trẻ. Nếu trẻ vẫn không nhớ (hoặc cố tình không nhớ) những gì cha mẹ đã nói, hãy lặp lại một cách bình tĩnh và giải thích rõ cho con ý định của cha mẹ.
Sẽ là tốt nhất nếu cha mẹ cùng ngồi trò chuyện và giải đáp những thắc mắc của trẻ. Làm như thế cũng sẽ tránh được sự đổ lỗi cho nhau mà hậu quả là làm cho con cái mất niềm tin, mất phương hướng. Cả cha lẫn mẹ cần giữ bình tĩnh, ôn hòa và trên tinh thần thiện chí thì cuộc trao đổi mới giúp ích cho con trẻ. Các em sẽ học được cách cư xử nhã nhặn, khoan dung mặc dù chúng biết, cha hoặc mẹ chúng cũng rất đau lòng. Trẻ cần học được tính nhân văn trong cư xử ngay từ trong những nỗi đau của gia đình.
Quan tâm đến cảm xúc của trẻ
Cần hiểu rằng cảm giác mất mát và giận dữ ở trẻ là không thể tránh khỏi khi cha mẹ ly hôn. Nhất là khi một người biến mất khỏi cuộc sống của trẻ. Để lấy lại quân bình cho trẻ, cha mẹ cần lắng nghe cảm xúc của con. Thông thường, trẻ em ít có khả năng diễn đạt bằng lời cảm xúc thật của mình. Người lớn có thể giúp bộc lộ bằng lời những cảm xúc của trẻ. Ví dụ: Cha (mẹ) thấy con bối rối và lo lắng về chỗ học mới, đúng không con? Trẻ sẽ xác nhận lại tình cảm của mình và cũng là dịp để hiểu sâu hơn về nội tâm của chính mình. Sự gần gũi, quan tâm và thừa nhận cảm xúc của trẻ có tác động rất lớn đến tâm hồn trẻ. Những đau khổ của trẻ được thấu hiểu và chia sẻ, điều này giúp trẻ bình tâm dần trước những mất mát mà trẻ phải gánh chịu do chia cắt.
Quan tâm đến không gian sống của trẻ
Trẻ càng nhỏ thì không gian sống càng có ý nghĩa. Chính ngôi nhà quen thuộc đã tạo cảm giác an toàn cho trẻ. Nếu có thể, thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ và người nuôi dưỡng ở tại nhà. Cần hiểu rằng nếu cùng một lúc trẻ phải vừa bị tách cha hoặc mẹ, vừa thay đổi không gian sống, thì tổn thương sẽ tăng lên gấp bội. Việc phá vỡ cấu trúc gia đình, tự bản thân nó đã là một áp lực rất lớn đối với trẻ. Nếu trẻ phải đối diện với việc chuyển chỗ ở, chuyển trường, chia tách bạn bè, cô giáo… thì quá sức chịu đựng và sẽ gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý cho trẻ.
Dẫu biết ly hôn không dễ dàng với cha mẹ, nhưng hãy nhìn xa hơn, hạnh phúc con trẻ sẽ là mầm ươm hạnh phúc sau này của cha mẹ. Hãy dành cho trẻ sự quan tâm đúng mực.
ThS tâm lý Võ Thị Tường Vy